Theo dõi trên

Triển khai thực hiện Nghị quyết 68: Công tâm, công bằng, kịp thời để an dân

07/09/2021, 09:42

Bài 2:Hiểu để sẻ chia

BT- Là cầu nối giúp dân được hưởng gói hỗ trợ giữa lúc khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các xã, phường và thôn, khu phố đang phải căng mình thực hiện cùng lúc nhiều nhiệm vụ, nên rất mong được người dân chia sẻ. Những ai chưa được hưởng hỗ trợ đợt này, sẽ được kiến nghị xem xét bổ sung.

Cơ quan chức năng xem xét các đối tượng được hưởng trợ cấp để kiến nghị UBND TP. Phan Thiết.

Chia sẻ với địa phương

Nhiều công việc cấp bách đang phải làm ngay giữa cao điểm của dịch Covid-19, trong đó có việc triển khai gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68. Áp lực công việc là vậy, nhưng nhiều lãnh đạo xã, phường, thôn, khu phố, có điều kiện kinh tế khó khăn vẫn không kêu ca. Nhiều người dân qua đó thấy được, đã hiểu và chia sẻ cùng với khó khăn chung. Anh Nguyễn Hữu Trí, một thợ sắt ở phường Đức Nghĩa (TP. Phan Thiết), khi xem phiếu nhận hỗ trợ không thấy có nghề của mình, chia sẻ: “Nếu được nhận thì bớt gánh nặng học phí đầu năm học cho 2 con, nhưng không có cũng chẳng sao. Tôi biết UBND phường không thể giải quyết được vấn đề này vì họ làm theo quy định, công việc của họ quan trọng lúc này là đang cố gắng chống dịch”. Còn anh Nguyễn Văn Minh, một thợ mộc ở phường Phú Tài, với anh Trí thổ lộ: “Nhà nước còn nhiều thứ phải lo, hơn nữa nhiều người nghèo khổ hơn mình. Tôi chỉ mong cán bộ, lãnh đạo địa phương cố gắng, kiểm soát dịch bệnh, để cuộc sống sớm trở lại bình thường”. 

Không riêng anh Trí và anh Minh mà còn nhiều người khác cũng ở hoàn cảnh tương tự. Có người lúc đầu không hiểu, sau đó đã thông cảm. Anh Thanh Tân ở thị trấn Phú Long (Hàm Thuận Bắc) làm thợ hồ lúc đầu cũng trăn trở việc mình không được hưởng gói hỗ trợ. Nhưng sau khi được giải thích: Thợ hồ ở Phan Thiết, La Gi nơi giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thì được hưởng hỗ trợ, nhưng ở huyện, thị khác thì không vì trong quyết định đã quy định rõ. Hiện UBND thị trấn đang kiến nghị để cho những người như anh được hưởng. Anh Tân đã yên tâm và chia sẻ với chính quyền địa phương bằng cách đi giải thích lại cho nhiều người khác.

Có thể nói, họ đều là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, dịch bệnh đã “cướp đi” công việc. Nhưng họ vẫn đang cố gắng vượt qua. Bởi họ biết thiên tai, dịch bệnh là những sự cố ngoài ý muốn. Chính vì vậy, các cấp, ngành đã và đang đẩy mạnh công tác an sinh xã hội, vì không muốn ai bị bỏ lại phía sau. Cho nên người dân yên tâm, dù chưa nhận được tiền hỗ trợ thì cũng có nhu yếu phẩm sống qua mùa dịch. 

Quan tâm người dân

Trước những tâm tư của một bộ phận người lao động không được hưởng gói hỗ trợ, các xã, phường đã tổng hợp để kiến nghị đến ngành chức năng để kiến nghị lên cấp trên. Phường Thanh Hải (TP. Phan Thiết) là trong số địa phương đã có văn bản gửi đến Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội TP. Phan Thiết đề nghị xem xét. Bà Nguyễn Thị Minh Ngọc, Chủ tịch UBND phường Thanh Hải (Phan Thiết) cho biết: “Chúng tôi đã có văn bản kiến nghị, vì khi triển khai có rất nhiều vướng mắc, có những người đáng được hưởng thì lại không. Chẳng hạn, cũng là thợ cắt tóc, thì thợ cắt tóc phòng lạnh có điều kiện hơn lại được hưởng, nhưng thợ cắt tóc truyền thống không có phòng lạnh lại không được. Điều này dẫn đến phát sinh tâm tư trong bộ phận người lao động”.

Dù người lao động chia sẻ với chính quyền địa phương, không đòi hỏi phải nhận được hỗ trợ, nhưng ở góc độ tâm lý con người thì cũng phải “2C” là công tâm và công bằng. Bà Trần Ngọc Đài Trang – Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội TP. Phan Thiết cho biết: Chúng tôi đã nhận được nhiều kiến nghị về những khó khăn vướng mắc trong việc triển khai gói hỗ trợ của các xã, phường. Theo đó, đã hướng dẫn cho họ, những trường hợp nào đủ điều kiện theo quy định tại Quyết định 2108 của UBND tỉnh thì cứ triển khai. Quá trình triển khai có vướng mắc thì kiến nghị, đơn vị sẽ tổng hợp tham mưu với UBND thành phố. UBND thành phố xem xét kiến nghị với UBND tỉnh để bổ sung. Tại Điều 2 của Quyết định 2108 cũng nêu khá rõ: Ngoài các đối tượng quy định tại Điều 1 của quyết định, nếu phát sinh đối tượng lao động đặc thù khác cần hỗ trợ, UBND cấp huyện, thị báo cáo về Sở Lao động – Thương binh và Xã hội để tổng hợp tham mưu UBND tỉnh xem xét.

Qua bài viết này, có thể thấy rằng ngành chức năng đang rất quan tâm đến cuộc sống người dân và công tâm, công bằng trong giải quyết chế độ chính sách. Người dân cần yên tâm, cùng địa phương phòng chống dịch. Tuy vậy, các xã, phường phải khẩn trương hơn nữa để tiền hỗ trợ sớm đến tay người dân, đồng thời phải chú trọng việc công khai minh bạch trong triển khai gói hỗ trợ hơn nữa. Công bố danh sách những người được nhận hỗ trợ để nhân dân cùng theo dõi, kiểm tra, giám sát từ đó giúp họ an lòng trong thời điểm dịch bệnh khó khăn hiện nay.

Theo Quyết định 2108 của UBND tỉnh, điều kiện hỗ trợ, mức hỗ trợ: Người lao động đang cư trú hợp pháp trên địa bàn tỉnh theo quy định Luật Cư trú gặp khó khăn về kinh tế do bị mất việc làm liên tục từ 15 ngày trở lên vì phải dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước để phòng chống dịch. Mức hỗ trợ 1.500.000 đồng/người/lần.

 Ninh Chinh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về chống khai thác IUU
BTO- Ban Bí thư Trung ương Đảng vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) và phát triển thủy sản bền vững. Đồng chí Trương Thị Mai - Thường trực Ban Bí thư khóa XIII, Trưởng ban Tổ chức Trung ương chủ trì hội nghị.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Triển khai thực hiện Nghị quyết 68: Công tâm, công bằng, kịp thời để an dân