Theo dõi trên

Tiến tới bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026: Nghĩ về trách nhiệm của cử tri

30/03/2021, 09:54

BT- Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội  khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 là đợt sinh hoạt chính trị sâu, rộng trong phạm vi cả nước nói chung và ở tỉnh Bình Thuận, đang được tiến hành với sự tích cực vào cuộc cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương. Để cuộc bầu cử đạt kết quả tốt thì cùng với công tác chuẩn bị một cách chu đáo là vấn đề trách nhiệm của cử tri. Đây là yếu tố có ý nghĩa hết sức quan trọng làm nên thành công, đảm bảo chất lượng, hiệu quả của cuộc bầu cử.

                
      
         Đồng chí Nguyễn Hoài Anh - Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp    hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND    tỉnh, Chủ tịch Ủy ban bầu cử tỉnh chủ trì buổi làm việc trực tuyến    với các địa phương về công tác bầu cử. Ảnh: T. Hà

Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân. Do đó việc lựa chọn những ứng cử viên đảm bảo các tiêu chuẩn được quy định để bầu vào các cơ quan quyền lực nhà nước từ Trung ương đến địa phương các cấp là do cử tri quyết định. Trách nhiệm của cử tri thể hiện trên 3 phương diện: Thứ nhất là nhận thức sâu sắc vai trò, tầm quan trọng của bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp là công việc quan trọng để không ngừng xây dựng củng cố chính quyền nhà nước ta từ Trung ương đến địa phương trong sạch, vững mạnh. Thứ hai: Cử tri phải hiểu các quy định của pháp luật, nhất là Luật Bầu cử để nắm vững quy trình bầu cử. Thứ ba: Có bản lĩnh chính trị vững vàng, công tâm trong đánh giá nhân sự, đặt lợi ích của cộng đồng, xã hội lên trên hết để lựa chọn những ứng cử viên xứng đáng làm người đại diện cho mình tại cơ quan quyền lực nhà nước.

Trách nhiệm cử tri không chỉ đến ngày bầu cử đi bỏ phiếu cho xong, mà là xuyên suốt một quá trình các giai đoạn; từ khi chuẩn bị cho bầu cử với 3 lần hiệp thương đều đòi hỏi có sự tham gia của đông đảo cử tri để nắm bắt đầy đủ thông tin về bầu cử và đóng góp ý kiến nhận xét đối với ứng cử viên. Điều có ý nghĩa hết sức quan trọng là đến ngày bầu cử, ngày để cử tri thực hiện quyền bầu cử, ngày đó cử tri phải tự mình đi bầu cử, không được nhờ người khác bầu thay (trừ trường hợp được pháp luật quy định). Cầm lá phiếu trên tay, cử tri cần phải nghĩ đến sức nặng của nó, không chỉ đơn thuần bỏ lá phiếu cho đủ về cơ cấu, số lượng đại biểu; mà phải biết chọn ra những người “dĩ công vi thượng” để đại diện, chăm lo cho lợi ích của nhân dân, của địa phương và đất nước. 

Kết thúc bầu cử không phải đã xong trách nhiệm của cử tri mà điều cần thiết và quan trọng là tiếp tục theo dõi, giám sát lời hứa của các ứng cử viên khi họ trúng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND. Nếu cử tri thường xuyên giám sát, nhận xét kịp thời hoạt động của đại biểu sẽ khiến họ không thể lơ là với trách nhiệm của mình đã hứa trước nhân dân.

Để phát huy trách nhiệm của cử tri, không đơn thuần chỉ chờ đợi từ sự tự giác của người dân, mà đòi hỏi trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trước hết các cấp ủy Đảng phải luôn quan tâm lãnh đạo tổ chức tốt cuộc bầu cử lần này. Các cơ quan chức năng cần quán triệt, phổ biến nội dung các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo liên quan đến cuộc bầu cử. Đồng thời làm tốt các khâu, nhất là công tác tuyên truyền phải đi trước một bước, làm thực chất, để người dân cảm thấy đây là ngày hội lớn để thực sự quan tâm đến việc cân nhắc lựa chọn người đại diện cho mình.                              

 Duy Hà



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tiến tới bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026: Nghĩ về trách nhiệm của cử tri