Theo dõi trên

Thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW về sắp xếp lại đơn vị hành chính: Phải làm tốt công tác tư tưởng

31/08/2020, 08:45

BT- Mục tiêu của Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã  nhằm tổ chức hợp lý đơn vị hành chính các cấp phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của đất nước; bảo đảm hoàn thiện thể chế về đơn vị hành chính, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; góp phần phát huy mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã, Tỉnh ủy Bình Thuận đã ban hành Kế hoạch số 145-KH/TU về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã. Trong đó, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị, tạo chuyển biến rõ rệt về nhận thức, hành động của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động các cấp, các ngành; bảo đảm sự đồng thuận trong nhân dân và dư luận xã hội về thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã; xây dựng đề án phải bám sát và thực hiện đúng các nghị quyết của Trung ương, đồng thời phải phù hợp với yêu cầu phát triển của địa phương, không gây xáo trộn và ảnh hưởng lớn đến nhân dân. Qua rà soát, đánh giá lại hiệu quả hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh, tỉnh Bình Thuận có những đơn vị hành chính cấp xã có quy mô dân số lớn nhưng diện tích tự nhiên chưa đạt 50% tiêu chuẩn, một số đơn vị có diện tích tự nhiên lớn nhưng quy mô dân số đạt dưới 50% tiêu chuẩn theo quy định của Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14, ngày 12/3/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; hoặc một số phường, thị trấn có mật độ dân số đông, diện tích nhỏ, hạn chế về không gian để phát triển đô thị... gây khó khăn cho hoạt động quản lý, đầu tư, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, UBND tỉnh lựa chọn những đơn vị hành chính có những yếu tố trên, đồng thời cộng đồng dân cư tương đồng về văn hóa, phong tục tập quán, tôn giáo... và được đa số nhân dân đồng thuận để tiến hành sắp xếp cho phù hợp với tiêu chuẩn, quy định và định hướng phát triển của địa phương.

Đến nay, Bình Thuận thực hiện xong việc sáp nhập thị trấn Phan Rí Cửa và xã Hòa Phú (huyện Tuy Phong); sáp nhập xã Măng Tố và xã Đức Tân (huyện Tánh Linh); sáp nhập xã Đức Chính và xã Nam Chính (huyện Đức Linh). Sau khi sắp xếp tỉnh Bình Thuận có 10 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 8 huyện, 1 thị xã, 1 thành phố; 124 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 93 xã, 19 phường và 12 thị trấn (giảm 3 đơn vị hành chính cấp xã). Hiện nay, các đơn vị hành chính cấp xã đi vào hoạt động ổn định từ ngày 1/1/2020 đến nay.

Có thể khẳng định, việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã tạo ra sự thay đổi tích cực, phát huy nguồn lực, tiềm năng phát triển của địa phương, giúp tinh gọn bộ máy, giảm biên chế, nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức, tiết kiệm kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc. Tuy nhiên việc sáp nhập các đơn vị hành chính đã tăng quy mô, đối tượng quản lý nên ảnh hưởng nhất định đến công tác quản lý nhà nước, tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính cho nhân dân; công tác sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức dôi dư sau khi sáp nhập đơn vị hành chính gặp nhiều khó khăn; các đơn vị hành chính mới sáp nhập phải dành nhiều thời gian cho việc chuyển đổi giấy tờ có liên quan từ đơn vị hành chính cũ sang đơn vị hành chính mới cho người dân và doanh nghiệp... Do vậy, những việc cần làm ngay của các cấp ủy, chính quyền các địa phương đã tiến hành sắp xếp, sáp nhập là phải ổn định tư tưởng và động viên kịp thời đội ngũ cán bộ cơ sở đã có quá trình công tác tại địa phương nhất là đội ngũ người hoạt động không chuyên trách. Các ngành, địa phương có liên quan phải khẩn trương tham mưu trình ban hành chính sách đặc thù để quy định chế độ hỗ trợ thôi việc đối với cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách. Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân chuyển đổi các loại giấy tờ do thay đổi địa giới đơn vị hành chính và không thu lệ phí. Xem xét bố trí tăng thêm số lượng công chức đối với các địa phương có yếu tố đặc thù về diện tích, dân số, mức độ khó khăn, phức tạp trong công tác quản lý, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp sau khi sáp nhập… Giải quyết tốt những vấn đề trên sẽ giúp cho tổ chức bộ máy của các đơn vị hành chính mới vận hành tốt hơn và chúng ta sẽ có những kinh nghiệm và điều kiện thuận lợi trong việc tiếp tục thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã theo tinh thần Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị. 

BẢO TÍN



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW về sắp xếp lại đơn vị hành chính: Phải làm tốt công tác tư tưởng