Theo dõi trên

Tháng 5 nhớ Bác

17/05/2020, 08:35 - Lượt đọc: 6

BTO- Trong trái tim sâu thẳm của mỗi người con đất Việt, cứ mỗi độ tháng 5 về lại bồi hồi nhớ đến Chủ tịch Hồ Chí Minh với lòng kính yêu vô hạn. Riêng với những người dân xứ biển Phan Thiết, Bình Thuận, tự hào hơn khi cách đây hơn 100 năm đã đón thầy giáo Nguyễn Tất Thành về dạy học tại Trường Dục Thanh, trước khi Người ra đi tìm đường cứu nước.

Từ ngoài nhìn vào, khu di tích là dãy nhà rêu phong cổ kính, xen kẽ với những mảng cây xanh được chăm chút gọn gàng. Khu di tích bao gồm Trường Dục Thanh; nhà Ngư - nơi nội trú của thầy giáo và học trò ở xa; nhà Ngọa Du Sào - nơi để ở và đọc sách, uống trà; nhà thờ cụ Nguyễn Thông. Đặc biệt là cây khế trồng cách đây hơn một thế kỷ, gần giếng nước vẫn xanh tốt, ra hoa kết trái quanh năm.


Ngôi trường được xây dựng vào năm 1907, do các cụ Nguyễn Trọng Lội, Nguyễn Quý Anh (2 người con của nhà thơ yêu nước Nguyễn Thông) thành lập, nhằm hưởng ứng phong trào Duy Tân do cụ Phan Chu Trinh, Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng khởi xướng. Mục tiêu là mở mang dân trí, khơi dậy ý thức giống nòi, dân tộc.

Đây là trường tư thục có nội dung giảng dạy tiến bộ nhất ở Bình Thuận lúc bấy giờ. Năm 1910, thầy giáo Nguyễn Tất Thành được cụ Nghè Trương Gia Mô giới thiệu đã đến Phan Thiết và dừng chân dạy học ở Trường Dục Thanh. Học sinh của trường có khoảng 60 người cùng 7 thầy giáo. Nguyễn Tất Thành là thầy giáo trẻ nhất (20 tuổi), được phân công dạy quốc ngữ, Hán văn và thể dục, môn học còn rất mới lúc bấy giờ. Những giờ rảnh, thầy đưa học sinh đi thăm những người dân nghèo xứ biển, khơi gợi cho học trò của mình về hoàn cảnh lầm than của người dân mất nước, truyền bá, bồi đắp lòng yêu quê hương, đất nước, nòi giống tổ tiên.

Tháng 2 năm 1911, thầy giáo Nguyễn Tất Thành rời Trường Dục Thanh vào Sài Gòn để ngày 5/6/1911 bắt đầu bôn ba tìm đường cứu nước. Thời gian dạy học tại đây tuy ngắn ngủi, nhưng từ rất sớm Bác rất quan tâm đến đào tạo, giáo dục con người cả về thể lực, trí lực.

Đối diện Khu di tích Dục Thanh là Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh Bình Thuận, đang trưng bày nhiều hiện vật về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác Hồ.Nơi đây giữ vai trò quan trọng trong việc giáo dục truyền thống văn hóa, truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ của địa phương cũng như cả nước.

Kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2020), Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Bình Thuận đang chuẩn bị các hoạt động thiết thực bày tỏ tri ân và tình cảm đối với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Mỗi tài liệu, hiện vật đang trưng bày tại đây là minh chứng thuyết phục về tư tưởng, tấm gương đạo đức, lối sống và tinh thần cống hiến không mệt mỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho sự nghiệp cách mạng, cho hạnh phúc nhân dân. Đồng thời thông qua các hình ảnh, tấm gương bình dị sẽ làm nổi bật những thành tựu mà Đảng bộ và nhân dân Bình Thuận đạt được trong thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị, góp phần củng cố và nhân lên niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng. Từ đó khơi dậy niềm tự hào, tích cực học tập, tu dưỡng, rèn luyện thực hiện Di chúc của Người; cổ vũ phong trào thi đua yêu nước, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh năm 2020.

Thùy Linh – Ngọc Lân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phan Thiết cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm
BTO-Chiều 28/3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ( khóa XIV) làm việc với tập thể Ban Thường vụ Thành ủy Phan Thiết về tình hình thực hiện nhiệm vụ trong thời gian qua, phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới . Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh chủ trì.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tháng 5 nhớ Bác