Theo dõi trên

Phong trào cách mạng tỉnh Bình Thuận những năm 30, thế kỷ XX 

21/02/2020, 09:22 - Lượt đọc: 4,140

Bài 1: Phát hiện mới về cuộc rải truyền đơn tại Phan Thiết giữa cuối năm 1930

 BT- Bình Thuận là mảnh đất “bản lề” cuối khúc ruột miền Trung, đầu vùng đất Nam bộ bao la. Trong phong trào cách mạng những năm 30, thế kỷ XX, Bình Thuận nằm xa sự chỉ đạo, ảnh hưởng của Xứ ủy Nam kỳ (Sài Gòn – Gia Định) và Xứ ủy Trung kỳ (Nghệ Tĩnh). Đó cũng là một trong những nguyên nhân lý giải cho quá trình ra đời, hình thành muộn tổ chức đảng đầu tiên của tỉnh Bình Thuận so với các nơi khác. Tuy nhiên, hoạt động của Đảng Cộng sản, mà trực tiếp là Xứ ủy Nam kỳ vẫn vươn ra tới vùng đất cực Nam Trung bộ này, qua 2 cuộc rải truyền đơn vào giữa tháng 7, đầu tháng 8/1930. 

                
      
Ga Mương Mán (nay là Ga Bình Thuận), nơi    xuất hiện truyền đơn kêu gọi đấu tranh vào đêm 1 và 2/8/1930.

Cuộc rải truyền đơn đêm 12 và 13/7/1930

Đây là cuộc rải truyền đơn đầu tiên tại Bình Thuận kêu gọi nhân dân đấu tranh, nhân việc thực dân Pháp ở Đông Dương tổ chức kỷ niệm Cách mạng Tư sản dân quyền Pháp (14/7). Theo báo cáo 414, ngày 6/8/1930 do Eugene Levandoux, Công sứ Pháp tại Phan Thiết gửi cho Giám đốc Sở liêm phóng(1) Trung kỳ, hàng trăm tờ truyền đơn được cảnh sát tìm thấy trên đường phố Phan Thiết lúc 2 giờ, các đêm 12 và 13/7/1930. Truyền đơn bằng chữ quốc ngữ, in từ bản kẽm có nội dung (lược trích):

“Hỡi anh chị em thợ thuyền, dân cày, học sinh, binh lính!

Hỡi người lao khổ! Nay mai bọn đế quốc Pháp sẽ lấy tiền của chúng ta đặng mà xài phí làm lễ kỷ niệm ngày 14/7. Chúng nó mang mặt nạ “tự do, bình đẳng, bác ái” để gạt chúng ta. Chúng nó ghi nhớ ngày cách mạng Pháp phá khám lớn Basti năm 1789, mà ở Đông Dương thì nó xây thành, đắp lũy, khám lớn, khám nhỏ nhiều hơn trường học; gươm máy cắt cổ như cắt khoai; tòa án đại hình kêu án suốt năm, mã tà, lính kín lủi khắp mọi nơi, nay tập binh, mai diễu võ…

Hỡi đồng bào! Chúng ta không thể nhân nhượng được nữa. Phải tẩy chay thực dân Pháp, không chào cờ của chúng, không thắp đèn; phải biểu tình chống lại sự vui chơi ngày 14/7…

Đảng Cộng sản.

Nam Kỳ lâm thời chấp hành ủy viên Hội”.

Eugene Levandoux khẳng định rằng, “những kẻ đi bằng xe ô tô ở Nha Trang, Krông Pha(2) và Phan Rang” thực hiện việc rải truyền đơn này. Qua những dòng chữ cuối cùng của tờ truyền đơn thì có thể biết được xuất xứ của tài liệu do Xứ ủy Nam kỳ khởi xướng, in ấn.

Cuộc rải truyền đơn lần đầu tiên tại tỉnh Bình Thuận diễn ra sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập, được viết lại trang trọng trong các sách Lịch sử Đảng bộ, Lịch sử truyền thống cách mạng từ tỉnh đến cơ sở, Địa chí Bình Thuận… Sự kiện này đánh dấu phong trào cách mạng tỉnh Bình Thuận đang hình thành. 

Cuộc rải truyền đơn đêm 1 và 2/8/1930

Trong khi mật thám Pháp đang đau đầu truy tìm “những kẻ đi bằng xe ô tô ở Nha Trang, Krông Pha và Phan Rang” thực hiện cuộc rải truyền đơn vào giữa tháng 7, thì tiếp tục diễn ra cuộc rải truyền đơn thứ 2. Lần này, truyền đơn được rải trên tuyến đường sắt Phan Thiết - Mương Mán kêu gọi đấu tranh nhân ngày Quốc tế đỏ 1/8/1930.

Viên công sứ Pháp tại Phan Thiết lại gửi thư cho Giám đốc Sở liêm phóng Trung kỳ trình báo: Truyền đơn do lính tuần sai từ thành đi tuần tra phát hiện vào hai đêm 1 và 2/8/1930 trên tuyến đường sắt Phan Thiết - Mương Mán, trong sân 2 ga, nơi đầu máy xe lửa thường dừng và tàu chở khách. Ông ta cho rằng: “Những tờ truyền đơn có thể được kỹ sư đầu máy hoặc những người được giao phụ trách công việc này mang đến và rải đi” (ce qui permet de supposte qu'ils ont été apportés et jetés par les mécaniciens de cas locomotives ou leurs aides). Và ông ta cũng báo cáo với cấp trên rằng, việc tổ chức một cuộc điều tra tại ga Mương Mán không thực hiện được, do không có “thời gian, điều kiện và nhất là thiếu nhân sự” (có thể do tung hết lực lượng để điều tra vụ rải truyền đơn giữa tháng 7).

Nội dung truyền đơn kêu gọi đấu tranh nhân ngày Quốc tế đỏ 1/8 như sau (lược trích):

“Hỡi thợ thuyền, dân cày, binh lính và những người lao khổ!

Mùng 1 tháng 8 là ngày Quốc tế đỏ. Tới ngày ấy, vô sản giai cấp cả năm châu và các dân tộc bị áp bức toàn thế giới hiệp sức mạnh lại, ra tranh đấu chống thế giới chiến tranh, chống chiến tranh đè nén các thuộc địa. Cái nguy hiểm chiến tranh đã bày ra trước mắt. Nay mai bọn “liệt cường” đế quốc sẽ kéo thợ thuyền, dân cày và quần chúng bị áp bức toàn thế giới ra chỗ chiến trường bắn giết lẫn nhau để chúng nó giành nhau thị trường và cướp nhau thuộc địa… Ở Đông Dương, bọn đế quốc Pháp thẳng tay chém giết công nông. Đầu rơi ở Yên Bái, bom rơi ở Cổ Am, máu đổ khắp nơi vẫn hãy còn tươi rói… Tới ngày mùng 1 tháng 8, ở các sở, chúng ta đều đình công hết thảy và kéo nhau ra đường đi tuần hành thị oai chống chiến tranh đế quốc theo những khẩu hiệu lớn sau này:

- Lấy sự chiến tranh cách mạng mà phản đối sự chiến tranh đế quốc.

- Phản đối khủng bố trắng, thả hết thảy tù chính trị.

- Ủng hộ Liên bang Xô Viết và phong trào cách mạng ở các thuộc địa…

Đảng Cộng sản.

Nam kỳ lâm thời chấp hành ủy viên Hội.

Thành bộ Sài Gòn, Chợ Lớn ủy viên Hội”.

Qua những dòng chữ cuối cùng của tờ truyền đơn thì được biết tác giả là “Thành bộ Sài Gòn, Chợ Lớn” (tiền thân của Thành ủy TP. Hồ Chí Minh hiện nay). Trong truyền đơn, Thành bộ Sài Gòn – Chợ Lớn có đề cập đến thông tin thời sự quốc tế và trong nước diễn ra lúc bấy giờ.

Về thông tin thời sự quốc tế là “ngày Quốc tế đỏ”, do Quốc tế Cộng sản khởi xướng. Để huy động công nhân và nhân dân lao động thế giới đấu tranh chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ hòa bình, bảo vệ    Liên bang Xô Viết, ủng hộ phong trào đấu tranh của các dân tộc, Quốc tế Cộng sản đã chọn ngày 1/8 là “ngày đấu tranh chống chiến tranh đế quốc”, hay còn gọi tắt là “ngày Quốc tế đỏ 1/8”.

Về thời sự trong nước, truyền đơn nhắc đến 2 sự kiện là “đầu rơi ở Yên Bái” và “bom rơi ở Cổ Am”. Ngày 17/6/1930, Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính (những lãnh đạo của Việt Nam Quốc dân Đảng) bị Pháp áp giải từ Hà Nội lên Yên Bái chém đầu cùng với 11 người khác trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái. Sau khi đàn áp cuộc khởi nghĩa Yên Bái, Thống sứ Bắc kỳ ra lệnh cho Công sứ tỉnh Hải Dương ném 57 quả bom triệt hạ làng Cổ Am (huyện Vĩnh Lại, tỉnh Hải Dương) vì cho rằng nghĩa quân Yên Bái về đây ẩn náu.

Như vậy, chỉ trong vòng hơn 10 ngày (từ giữa tháng 7 đến đầu tháng 8/1930), tại tỉnh Bình Thuận đã xảy ra liên tiếp 2 cuộc rải truyền đơn kêu gọi đấu tranh chống thực dân Pháp của những người cộng sản. Điều đó báo hiệu cho phong trào cách mạng Bình Thuận bắt đầu có sự chuyển biến từ giữa năm 1930 dưới sự ảnh hưởng hoạt động của Xứ ủy Nam kỳ.

Một điều thú vị nhỏ đó là, cuộc rải truyền đơn lần thứ 2 trên tuyến đường sắt Phan Thiết - Mương Mán do chúng tôi phát hiện, sưu tầm được từ đồng nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh vào thời gian gần đây. Tư liệu mới này góp phần vào việc nghiên cứu, bổ sung làm phong phú hơn phong trào cách mạng tỉnh Bình Thuận những năm 30 thế kỷ XX dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.

    
  

     (1): Cơ quan tình báo, mật thám và an ninh của Pháp lập tại Đông Dương   từ 1917 đến 1954.

      (2): Địa danh trên quốc lộ 27 Phan Rang - Đà Lạt, nay thuộc huyện Ninh   Sơn, Ninh Thuận.

Hà Ngân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phong trào cách mạng tỉnh Bình Thuận những năm 30, thế kỷ XX