Theo dõi trên

Nhiều vấn đề tồn tại của giáo dục cần được xem xét nghiêm túc

13/06/2018, 10:46

BTO- Trong phiên thảo luận tại Hội trường chiều ngày 11/6 về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Giáo dục. Đại biểu Nguyễn Hồng Hải - Đại biểu Quốc hội tỉnh tỉnh Bình Thuận phát biểu ý kiến.

Bậc học mầm non còn nhiều bất cập

Về vấn đề chung, đổi mới căn bản giáo dục là chủ trương lớn, quan trọng của Đảng và Nhà nước ta. Thực tiễn cho thấy giáo dục, đào tạo có vai trò, tác động lớn đến xã hội, đến sự chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cho cho đất nước; hình thành nền tảng giá trị con người Việt Nam. Trong bối cảnh hiện nay, nhiều vấn đề tồn tại của ngành giáo dục: chất lượng đào tạo, chất lượng người dạy, người học, quản trị đại học, đạo đức học đường... đòi hỏi phải xem xét một cách nghiêm túc, toàn diện. Đề nghị cần xem xét sửa đổi toàn diện Luật giáo dục.

Về giáo dục mầm non, đại biểu cho rằng thời gian qua giáo dục mầm non là lĩnh vực tồn tại nhiều bất cập, yếu kém trong công tác quản lý, tình trạng bạo hành trẻ em nghiêm trọng liên tục xảy ra, tình hình thiếu giáo viên, thiếu cơ sở vật chất, đặc biệt cho nhóm trẻ từ 3 tháng tuổi đến 24 tháng tuổi, cũng như thiếu trường, lớp tại các khu chế xuất, khu công nghiệp. Tuy nhiên, nội dung giáo dục mầm non không được xem xét, sửa đổi, bổ sung. Đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung, sửa đổi cho phù hợp.

Đề nghị bỏ cụm từ: “hoặc tham gia vào cuộc sống lao động” vì khi tốt nghiệp trung học cơ sở, các em còn rất trẻ, mới 16 tuổi, chưa có nghề nghiệp, chúng ta cần có định hướng, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các em tiếp tục học lên, bao gồm cả học phổ thông hoặc học nghề; chúng ta không nên khuyến khích các em tham gia cuộc sống lao động và càng không nên qui định trong luật.

ĐB Hải đồng ý với cơ quan soạn thảo là cần thiết phải tổ chức thực nghiệm, tuy nhiên cách qui định như trong dự thảo còn chung chung, dễ dẫn đến việc áp dụng luật dễ dãi. Đề nghị, cần qui định thật cụ thể trong luật các tiêu chí: phương thức thực hiện, phạm vi, đối tượng thực nghiệm, đặc biệt là các chế tài liên quan trong quá trình thực hiện. Để đảm bảo các chương trình giáo dục sau thực nghiệm đưa vào giảng dạy đã được nghiên cứu thấu đáo, chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo chất lượng.    

4. Sửa đổi, bổ sung điều 29, tại khoản 2 qui định: mỗi môn học có thể có nhiều sách giáo khoa; cơ sở giáo dục được lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng ổn định trong giảng dạy, học tập. Tuy nhiên tại khoản 3, điều này lại qui định: Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa; phê duyệt sách giáo khoa để sử dụng ổn định trong giảng dạy, học tập. Nội dung qui định như trên là mâu thuẩn, khó áp dụng trong thực tế. Do đó ĐB Hải đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu sửa lại cho phù hợp, đồng thời cần qui định cụ thể trong luật, thời gian ổn định của sách giáo khoa là bao lâu; tránh tình trạng thay sách giáo khoa liên tục gây khó khăn cho thầy cô trong biên soạn giáo án, chương trình giảng dạy thiếu ổn định, đặc biệt là lãng phí tiền của dân khi các bộ sách không được sử dụng lại.

5. Chính sách đối với giáo dục, nhà giáo: Dự thảo luật khẳng định “phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu”, “đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển”; nhà giáo: “giữ vị thế quan trọng trong xã hội và có vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục, được xã hội tôn vinh” (tại khoản 1, điều 70). Tuy nhiên, trong dự thảo luật chưa có những qui định để thể chế hóa những ưu đãi, chính sách cho giáo dục, cho giáo viên nhằm giải quyết những bất cập hiện nay. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cần tổng hợp lại các chính sách đã có, phân tích, đánh giá những điểm tích cực, hạn chế qua đó cụ thể hóa trong luật các nội dung ưu đãi trong đầu tư giáo dục cho từng cấp học, cho từng loại hình giáo dục; các chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, tuyển dụng, tiền lương, đãi ngộ, chế độ làm việc... cho giáo viên.

Giá dịch vụ đào tạo – nên xem xét thấu đáo

6. Về chính sách cho sinh viên nhóm ngành sư phạm: ĐB Hải đồng thuận là Nhà nước cần có chính sách hổ trợ và thống nhất với cơ quan soạn thảo là thay thế chính sách miễn học phí bằng khoản vay tín dụng (qui định tại khoản 3- điều 89). Tuy nhiên, chúng ta lại thiếu chính sách đào tạo chuyển đổi, để sử dụng lực lượng sinh viên sư phạm ra trường đang thất nghiệp, đội ngũ giáo viên trung học cơ sở đang thừa, để bổ sung cho cấp tiểu học đang thiếu và giáo viên dạy các môn năng khiếu như nhạc, họa ở cấp trung học cơ sở. Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung.

7. Về học phí: Thống nhất chi phí giáo dục phải được tính đúng, tính đủ làm căn cứ xác định cơ chế thu, nguồn thu đủ để đầu tư đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên việc qui định mức thu học phí được xác định theo cơ chế giá dịch vụ giáo dục, đào tạo, đặc biệt đối với cơ sở giáo dục công lập cần phải được xem xét thấu đáo; vì đây là nội dung tác động lớn đến xã hội, liên quan trực tiếp đến khả năng đóng góp nhân dân, theo thống kê hiện nay ngoài cấp tiểu học đã được miễn học phí, thì có khoảng 7,6 triệu học sinh trung học cơ sở và trung học  phổ thông. Kiến nghị cơ quan soạn thảo cần qui định ngay trong Luật Trách nhiệm về tài chính của Nhà nước hỗ trợ học phí cho từng cấp học; qui định lộ trình miễn học phí cho học sinh trung học cơ sở, qui định trách nhiệm về tài chính của học sinh, gia đình; chính sách hỗ trợ tài chính của nhà nước cho học sinh nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, hải đảo. Việc cụ thể hóa trong luật vừa đảm bảo tính minh bạch, là cơ sở để ngân sách nhà nước cân đối hàng năm, đồng thời để nhân dân an tâm.

8. Về công nhận văn bằng, điều 110: Hiện nay thủ tục công nhận văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp do Bộ Giáo dục Đào tạo thực hiện, cơ bản đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Tuy nhiên các cơ sở giáo dục nước ngoài đã được công nhận chất lượng tại nước cấp bằng và được Việt Nam công nhận, nhưng văn bằng cũng phải làm thủ tục công nhận. Theo ĐB Hải, cách qui định như trên là chưa hướng đến cải cách thủ tục hành chính, chưa tạo thuận lợi cho người dân. Do đó, kiến nghị trong điều 110, bổ sung thêm một khoản qui định: Giao Bộ Giáo dục Đào tạo hàn năm công bố danh sách các cơ sở giáo dục nước ngoài được công nhận chất lượng và văn bằng do các cơ sở giáo dục trên cấp được thừa nhận tại Việt Nam (không phải làm thủ tục công nhận văn bằng).

9. Sửa đổi, bổ sung điều 5, tại khoản 2 về phương pháp giáo dục theo dự thảo chỉ mới qui định người học, thiếu chủ thể người dạy. Đồng ý phương pháp giáo dục cần xác định người học là trung tâm, tuy nhiên vai trò của người dạy cũng rất quan trọng, tại khoản 1, điều 70: qui định  “nhà giáo có vai trò quyết định trong việc đảm bảo chất lượng giáo dục”. Do đó, đề xuất sửa đổi khoản 2, điều 5 như sau: Phương pháp giáo dục phải phát huy vai trò định hướng, tổ chức của người dạy; tính tích cực, tự giác, chủ động, tư duy sáng tạo của người học; bồi dưỡng cho người học năng lực tự học và hợp tác, khả năng thực hành, lòng say mê học tập và ý chí vươn lên.

MH (lượt ghi)



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về chống khai thác IUU
BTO- Ban Bí thư Trung ương Đảng vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) và phát triển thủy sản bền vững. Đồng chí Trương Thị Mai - Thường trực Ban Bí thư khóa XIII, Trưởng ban Tổ chức Trung ương chủ trì hội nghị.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều vấn đề tồn tại của giáo dục cần được xem xét nghiêm túc