Theo dõi trên

Làm theo lời Bác dạy

16/10/2017, 10:38 - Lượt đọc: 774

BT- Lúc sinh thời, khi đến thăm Văn phòng Trung ương Đảng tại Chiến khu Việt Bắc nhân dịp Tết Nguyên đán Canh Dần năm 1950, Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã căn dặn: “Công tác Văn phòng có tầm quan trọng đặc biệt, giúp cho cán bộ lãnh đạo nắm được tình hình. Cán bộ Văn phòng nắm tình hình sai thì lãnh đạo sẽ giải quyết công việc không đúng.... cho nên phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, năng lực công tác và giữ bí mật, để phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ được giao”. Trong tình hình hiện nay, câu nói trên của Người càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết, đó vừa là lời căn dặn sâu sắc, vừa là kim chỉ nam cho hành động trong thực hiện nhiệm vụ của cán bộ Văn phòng nói chung và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Văn phòng cấp ủy nói riêng.

                
      
Các đồng chí lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy    dâng hương viếng Bác tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Bình    Thuận.

Lâu nay, trong xã hội thường quan niệm Văn phòng là bộ phận phụ trách công việc giấy tờ, hành chính, là cơ quan “bưng, bê, kê, đặt”, “quyền rơm, vạ đá”, “làm dâu trăm họ”... Nhưng thực tế cho thấy cách hiểu như vậy là chưa đúng, chưa thật đầy đủ và có phần “xem nhẹ” chức năng của cơ quan Văn phòng. Có thể hiểu đúng rằng, Văn phòng là một bộ phận không thể thiếu trong cơ cấu tổ chức của cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị. Văn phòng gắn liền với quá trình ra đời, tồn tại và phát triển của một cơ quan, đơn vị, có vị trí, vai trò đặc biệt, có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, với những hoạt động vô cùng quan trọng. Văn phòng không chỉ đơn thuần thực hiện các công việc giấy tờ, hành chính mà còn được giao nhiều chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, vừa giúp việc, tham mưu, vừa đôn đốc, kiểm tra thực hiện; là “đầu mối công việc” được lãnh đạo, thủ trưởng cơ quan, đơn vị ủy quyền “thừa lệnh” trong triển khai, giải quyết nhiều nội dung công việc quan trọng; hiệu quả hoạt động của Văn phòng ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng hoạt động chung của toàn bộ cơ quan, đơn vị, phục vụ cho sự lãnh đạo, chỉ đạo hiệu quả của cấp ủy, chính quyền…

Do đó, có thể nói rằng, Văn phòng là bộ máy tham mưu, điều hành tổng hợp, là đầu mối điều phối hoạt động của cơ quan, tổ chức; là trung tâm thu thập, xử lý và cung cấp thông tin phục vụ cho hoạt động quản lý, điều hành của lãnh đạo; là nơi chăm lo mọi lĩnh vực phục vụ quản trị, hậu cần, bảo đảm các điều kiện vật chất cần thiết cho hoạt động chung của cơ quan, tổ chức đó. Xuất phát từ thực tế, sự tồn tại của công tác Văn phòng là một yếu tố khách quan, có vai trò và vị trí đặc biệt quan trọng trong cơ cấu tổ chức của cơ quan, tổ chức, bởi vì Văn phòng là cơ quan tổng hợp, có những đóng góp đắc lực trong công tác tham mưu, giúp việc cho lãnh đạo trong chỉ đạo, điều hành. Nếu Văn phòng chỉ thiên về công tác hậu cần sẽ là “Văn phòng yếu”.

Tại Hội nghị công tác Văn phòng cơ quan hành chính Nhà nước toàn quốc do Văn phòng Chính phủ tổ chức tại Hà Nội vào năm 2010, lúc đó Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đã phát biểu nhấn mạnh: “Đừng nghĩ rằng cứ điều ai về làm Văn phòng cũng được và ai cũng làm Văn phòng được”. Đây là nhận định đúng, mang tính khái quát cao và là lời nhắc nhở sâu sắc tới lãnh đạo, cán bộ, công chức của cơ quan, tổ chức các cấp, các ngành cần phải nâng cao nhận thức đúng đắn, toàn diện và có sự quan tâm đặc biệt đến vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng; phải chăm lo xây dựng tổ chức, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức làm công tác Văn phòng, tạo điều kiện tốt nhất để Văn phòng phát huy tốt vai trò tham mưu. Tuy mỗi người được đào tạo một chuyên ngành khác nhau nhưng khi đã vào Văn phòng công tác, mỗi cán bộ, chuyên viên phải tích cực học hỏi để có những hiểu biết tổng hợp về các ngành, lĩnh vực; luôn tự giác rèn luyện, trau dồi phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp, vững vàng về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; trong hoạt động công vụ, luôn quán triệt và bám sát nguyên tắc “kịp thời, chính xác và hiệu quả”; phải“nắm được tình hình” để dự báo chính xác, tham mưu đúng, trúng, sâu, toàn diện, tổng hợp giúp lãnh đạo tổ chức điều hành công việc.

Việc “nắm được tình hình” theo lời dạy của Bác Hồ chính là tính nhạy bén, sáng tạo, chuyên nghiệp trong khả năng dự báo của cán bộ Văn phòng để nêu được những đề xuất đúng đắn trong hoạt động tham mưu, giúp việc cho các cấp lãnh đạo. Chức năng tham mưu - tổng hợp được thể hiện trong từng nhiệm vụ cụ thể như: Xây dựng quy định, quy chế và tổ chức làm việc theo quy định, quy chế; xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch công tác, thông tin tổng hợp… Ngoài ra, Văn phòng còn có nhiệm vụ phục vụ các hoạt động hàng ngày như: Tổ chức các cuộc họp, buổi làm việc của lãnh đạo, các hội nghị, các chuyến đi công tác của lãnh đạo, quản lý tài sản, vật chất... Hai chức năng tham mưu - tổng hợp và phục vụ có sự đan xen, có quan hệ mật thiết với nhau: Tham mưu là để phục vụ và trong phục vụ có sự tham mưu.

Hơn nữa, tham mưu không chỉ là đề xuất các chủ trương mà còn phải đưa ra được các giải pháp, cách thức tổ chức triển khai thực hiện phù hợp, khoa học, giúp lãnh đạo quản lý, chỉ đạo, điều hành công việc hiệu quả. Lúc sinh thời, Bác Hồ đã từng nói: “Tham mưu mà làm việc theo kiểu dĩ hòa vi quý, cố làm đẹp lòng cấp trên bằng bất cứ giá nào thì chỉ có hại cho quốc kế dân sinh” và Người cũng động viên cán bộ, công chức làm công tác tham mưu: Bây giờ chưa có kinh nghiệm, chưa hiểu biết về công tác tham mưu, có khó khăn đấy, nhưng phải cố gắng vừa làm, vừa học, có quyết tâm thì khó mấy cũng làm được…Chính vì vậy, người làm nhiệm vụ tham mưu không đơn thuần là giúp việc cho lãnh đạo các cấp mà còn phải là người có bản lĩnh, có năng lực, có trình độ chuyên môn, có phẩm chất đạo đức trong sáng, trung thực, nghiêm túc, chủ động, độc lập, thích ứng cao trong công việc; luôn cần cù, tỉ mỉ, thận trọng và có tính chuyên nghiệp, nguyên tắc cao; phải là người có khả năng chỉ đạo, điều phối công việc, có khả năng phân tích tổng hợp và nhạy bén với nhiệm vụ chính trị, có tư duy biện chứng, không định kiến, hẹp hòi, không bảo thủ; dám đề xuất cái mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Bên cạnh việc nêu cao tinh thần trách nhiệm, năng lực công tác, phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, cán bộ, công chức làm công tác Văn phòng còn phải biết bảo vệ bí mật Nhà nước. Nói về công tác này, Bác Hồ đã nhiều lần căn dặn cán bộ, đảng viên, chiến sĩ phải nâng cao cảnh giác, không được lơ là, chủ quan, mất tập trung, phải tuyệt đối giữ gìn bí mật của cơ quan, tổ chức, của Đảng và Nhà nước. Trong bài “Phải giữ bí mật của Nhà nước” đăng trên Báo Nhân dân số 700, ngày 1/2/1956, Bác Hồ viết: “Những văn kiện bí mật của Nhà nước quan hệ trực tiếp đến vận mệnh của toàn dân, đến sự mất còn của dân tộc. Cho nên giữ bí mật của Nhà nước là nhiệm vụ của toàn dân, đặc biệt là nhiệm vụ của cán bộ các cơ quan, các đoàn thể”. Người nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác bảo vệ bí mật Nhà nước: “Vấn đề này, nhắc đi nhắc lại đã nhiều lần. Nhưng tiếc thay, chứng bệnh không biết giữ bí mật vẫn rất phổ thông, rất trầm trọng. Nhiều cán bộ, nhân viên, binh sĩ, nhân dân còn mắc bệnh ấy. Chúng ta phải luôn nhớ rằng: Trong chiến tranh, giữ bí mật hay không là điều rất quan hệ đến sự thắng hay bại. Nếu địch biết tin tức của ta, nó sẽ tìm đánh vào chỗ yếu của ta, thì địch sẽ thắng. Nếu ta thấy rõ tin tức của địch, ta sẽ tìm đánh vào chỗ yếu của nó, thì ta sẽ thắng”. Vì vậy, Người yêu cầu các cơ quan, các đoàn thể cần phải xem trọng giáo dục, nghiêm chỉnh chấp hành và thường xuyên kiểm tra công tác giữ bí mật, Người nói: Chúng ta phải xem giữ bí mật là một việc rất cần thiết và rất quan trọng trong công cuộc kháng chiến. Cán bộ và chiến sĩ phải làm gương mẫu giữ bí mật. Chính quyền và đoàn thể cần có kế hoạch tuyên truyền và giáo dục nhân dân giữ bí mật. Chúng ta đã đánh thắng địch trên mặt trận quân sự, chính trị, kinh tế, chúng ta phải kiên quyết đánh thắng địch trên mặt trận tình báo bằng cách tuyệt đối giữ bí mật. Như vậy, để giữ gìn những thành quả của cách mạng thì mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân nói chung và cán bộ, công chức Nhà nước làm công tác Văn phòng nói riêng đều phải nêu cao tinh thần và thực hiện nghiêm túc việc giữ bí mật, bí mật trong công việc, bí mật tài liệu, không để lộ lọt thông tin, ảnh hưởng đến lãnh đạo, chỉ đạo những vấn đề trọng yếu, cơ mật của Đảng và Nhà nước; nguyện ra sức học tập, rèn luyện thực hiện lời dạy của Người, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

HƯƠNG LAM



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Làm theo lời Bác dạy