Theo dõi trên

Kỷ niệm 130 năm ngày sinh cụ Bùi Bằng Đoàn: Người tận trung với nước, tận hiếu với dân

19/09/2019, 09:38

BT- Sáng 16/9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và TP. Hà Nội chủ trì tổ chức Lễ kỷ niệm 130 năm ngày sinh Trưởng ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn (19/9/1889 - 19/9/2019). Ghi nhận sự cống hiến của cụ với đất nước, Báo Bình Thuận xin giới thiệu và lược trích các giai đoạn hoạt động của một con người luôn vì nước, vì dân. 

Thân thế và sự nghiệp

Cụ Bùi Bằng Đoàn sinh ra trong một gia đình nhà nho tại làng Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông (nay là Hà Nội) – làng quê có truyền thống văn hiến, với những danh nhân khoa bảng được ghi trong sử sách. Cha là Bùi Tập từng giữ chức Tuần phủ tỉnh Hưng Hóa (thời Pháp thuộc). Do cha mẹ đều mất sớm, cụ được người chú dượng là Dương Lâm đưa về nuôi dưỡng và dạy chữ Hán. Năm 1906, dưới triều vua Thành Thái, tại khoa thi Hương trường Hà Nam, Bùi Bằng Đoàn đỗ cử nhân. Năm 1911, cụ tốt nghiệptrường Hậu Bổ, Hà Nội, được bổ nhiệm làm Tri huyện, sau đó làm Tri phủ Xuân Trường (Nam Định), Án sát tỉnh Bắc Ninh, Tuần phủ các tỉnh Cao Bằng, Ninh Bình. Năm 1933, cụ  được nhà Nguyễn triệu vào  triều đình Huế làm việc và giữ chức Thượng thư Ngự Tiền, Văn phòng Nam Triều, rồi làm Thượng thư bộ Hình, sung Cơ mật viện Đại thần, hàm Chánh nhị phẩm và được thăng Hiệp tá Đại học sĩ hàm Tùng nhất phẩm. Sau đó ít lâu được phong hàm Chánh phẩm.

Saucách mạngtháng Tám thành công, ngày 17/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời cụ Bùi Bằng Đoàn tham gia Ban Cố vấn Chủ tịch nước, thành viên Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến thiết đất nước. Theo Sắc lệnh số 80/SL ngày 2/12/1945, cụ được cử làm Trưởng Ban Thanh tra đặc biệt của Chính phủ Việt Nam dân chủcộng hòa. Trong cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946, cụ trúng cử đại biểu Quốc hội khóa I, rồi được bầu làm ủy viên chính thức Ban Thường trực Quốc hội. Tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội, cụ được bầu làm Trưởng Ban thường trực Quốc hội.

Từ năm 1947 - 1948, cụ hoạt động ở chiến khu Việt Bắc. Tháng 8/1948, do bệnh nặng, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lệnh đưa cụ về Liên khu 3 để chữa trị. Ngày 13/4/1955, cụ qua đời tại Hà Nội, hưởng thọ 66 tuổi. 

Những đóng góp to lớn của cụ

Khi làm Tri phủ Xuân Trường, cụ đã đề xuất và tổ chức thực hiện việc đắp đê Bạch Long ngăn nước mặn – một công trình trị thủy lớn, có ý nghĩa vô cùng quan trọng về dân sinh và kinh tế nông nghiệp cho nhân dân địa phương. Nhờ con đê Bạch Long mà cả một vùng đất đai rộng lớn phì nhiêu được tạo lập, người dân trồng lúa, trồng dâu có cuộc sống dần ổn định. Khi đang làm Tri phủ Nghĩa Hưng, nhờ tinh thông Pháp văn, cụ được mời lên Hà Nội làm thông ngôn cho phiên tòa đại hình xử vụ án Phan Bội Châu. Với tính cách cương trực, bảo vệ lẽ phải, cụ đã phiên dịch rõ ràng, trung thực những lời nói, lý lẽ đanh thép của cụ Phan Bội Châu, để rồi sau đó tòa án không khép được cụ Phan án chung thân mà giảm xuống án “an trí ở Huế”.

Năm 1925, trước việc báo chí phản ánh phu điền ở Nam kỳ bị bóc lột dã man, Chính phủ Nam triều đã cử cụ vào thanh tra các đồn điền cao su ở Nam kỳ. Là người công minh, liêm khiết, mẫn cán, cụ đã tiến hành điều tra trực tiếp, thấu đáo tại 45 đồn điền cao su ở các tỉnh Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Bà Rịa, Tây Ninh, Chợ Lớn, Gia Định. Kết thúc cuộc điều tra cụ đã viết báo cáo dày 100 trang bằng tiếng Pháp nêu trung thực, khách quan và đầy đủ những điều vô lý trong chính sách với phu đồn điền. Nhờ đó mà nhà đương cục lúc bấy giờ buộc phải chấp nhận giảm thiểu những chế độ hà khắc đối với công nhân đồn điền cao su thời đó.

Trên cương vị Thượng thư bộ Hình, cụ đã có công lớn trong việc cải cách tư pháp, sửa đổi luật pháp, bãi bỏ nhiều quy định lỗi thời của hệ thống tư pháp cổ xưa trên 17 tỉnh, đạo thuộc Trung kỳ. Đồng thời cụ đã tấu trình và được nhà vua chấp thuận việc biên soạn và ban hành một số luật mới có nội dung tiến bộ, tổ chức các tòa án và quy định cơ chế tư pháp tân tiến. Làm quan trong đại thần nhà Nguyễn ở Huế, cụ nổi tiếng là vị quan đức độ, thanh liêm, chính trực, chăm dân; được vua sủng ái, các quan trong triều kính trọng, người dân tin cậy.

Khi ở vị trí Trưởng Banthanh tra đặc biệt của Chính phủ, cụ đã tham mưu kịp thời chấn chỉnh những bất cập trong hoạt động của bộ máy nhà nước. Đặc biệt, cụ đã tham mưu Chính phủ ban hành Sắc lệnh 40/SL về việc bảo vệ tự do cá nhân do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày  29/3/1946. Đây là sắc lệnh đầu tiên quy định cụ thể về những trường hợp bắt người, cấm tra tấn để lấy cung, bảo vệ quyền tự do của mỗi công dân Việt Nam. Trên cương vị Trưởng Banthường trực Quốc hội, cụ đã tham gia bàn bạc, đóng góp, cải tổ nhân sự của Chính phủ năm 1947, chỉ đạo các đoàn đại biểu Quốc hội địa phương lấy ý kiến nguyện vọng của nhân dân, góp ý cho Quốc hội, Chính phủ trong lãnh đạo kháng chiến. Cụ đã thay mặt Quốc hội tham gia các sự kiện trọng đại của đất nước, ngoài hoạt động đối nội và lập pháp, cụ còn tham gia hoạt động đối ngoại, thường xuyên trả lời phỏng vấn các cơ quan báo chí trong, ngoài nước một số vấn đề của quốc gia, về chủ quyền của Việt Nam trong thời gian trước và sau khi 2 đoàn Việt Nam và Pháp ký Hiệp ước 6/3/1946 tại Đà Lạt.

Những đóng góp của cụ với đất nước vô cùng to lớn, cụ đã được Chủ tịch nước Việt Namdân chủcộng hòa tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhất, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng nhất.

Như NguyỄn



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỷ niệm 130 năm ngày sinh cụ Bùi Bằng Đoàn: Người tận trung với nước, tận hiếu với dân