Theo dõi trên

Khi người dân và chính quyền tương tác qua mạng xã hội

24/11/2020, 07:56

BT- Nắm bắt được xu hướng phát triển, sức lan tỏa mạnh mẽ của mạng xã hội, đầu năm 2020, xã Đông Hà (Đức Linh) đã xây dựng cổng thông tin điện tử trên nền tảng Facebook, Zalo. Chính từ kênh kết nối này, đã góp phần làm nên một chính quyền gần dân, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. 

                
   Trụ sở UBND xã Đông Hà (Đức Linh).

Lập kênh thông tin, kết nối đến từng thôn

Trên trang Zalo của UBND xã Đông Hà, một người dân phản ánh: Tại sao rác ở đường số 6, hơn 3 tuần nay chưa thu gom để bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Ít phút sau tài khoản này đã nhận phản hồi: “Xin chào, cảm ơn bạn đã liên hệ với chúng tôi. Chúng tôi đã nhận được tin nhắn của bạn và sẽ sớm trả lời. Chúc bạn ngày mới vui vẻ!”. Nội dung tin nhắn trên chỉ là một trong hàng ngàn phản ánh của người dân trên trang Zalo hoặc Facebook của xã Đông Hà được chính quyền địa phương tiếp thu, xử lý nhanh chóng.

Theo UBND xã Đông Hà: Để có một diễn đàn chính thống cung cấp thông tin chính xác, kịp thời và đúng định hướng, cũng như ghi nhận những góp ý để giải quyết bức xúc, nguyện vọng chính đáng và hiến kế góp ý xây dựng chính quyền, khảo sát sự hài lòng của nhân dân đối với các vấn đề địa phương... thì việc sử dụng mạng xã hội để thiết lập cổng thông tin điện tử và các nhóm dân cư mạng tại địa phương là cần thiết. Trước thực tế đó, xã Đông Hà đã xây dựng cổng thông tin điện tử xã trên nền tảng Facebook, Zalo tại địa chỉ 107929517495052. Và thành lập mỗi thôn 1 khu dân cư mạng trên nền tảng Zalo, Facebook.

 “Ở mỗi thôn, chúng tôi thành lập 1 nhóm Facebook và 1 nhóm Zalo khu dân cư. Cụ thể, địa phương thành lập 4 nhóm, gồm: Nhóm dân cư 2A, nhóm dân cư 2B, nhóm dân cư Đông Tân và nhóm dân cư Nam Hà. Thành viên các nhóm: Ở xã gồm các đồng chí là lãnh đạo Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ và các đoàn thể, trưởng công an, chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã; ở thôn gồm ban quản lý thôn và nhân dân trong thôn. Sau khi thành lập, ban quản lý các thôn thu thập số điện thoại của mỗi hộ gia đình, thêm vào nhóm của thôn mình”, ông Lê Mộng Rin - Chủ tịch UBND xã Đông Hà chia sẻ thêm. 

Hiệu quả tích cực

Từ khi thành lập cổng thông tin điện tử trên nền tảng Facebook, Zalo, chính quyền cấp xã và thôn ở Đông Hà đã có hàng ngàn lượt thông tin tuyên truyền đến nhân dân. Nội dung chủ yếu là thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng địa phương, lấy ý kiến góp ý, khảo sát sự hài lòng của nhân dân vào chính quyền, khảo sát sự hài lòng về xây dựng nông thôn mới, công khai các khoản thu chi, các quỹ vận động, hướng dẫn thủ tục hành chính, mời họp…

                
   Chính quyền địa phương thông báo những    thông tin đến người dân.

Qua các Facebook, nhóm Zalo, phương thức hội họp cũng được thay đổi, giảm thiểu giấy tờ không cần thiết, các tổ trưởng tổ tự quản không phải tốn thời gian đi thông báo mời họp, các văn bản cần triển khai sẽ được gửi lên nhóm, các cuộc tiếp xúc cử tri vì vậy cũng hiệu quả hơn, thiết thực và nhân dân có điều kiện tiếp cận đủ thông tin hơn. Cũng từ những kênh kết nối này, đã tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp, phản ánh về an ninh trật tự, môi trường, giải quyết thủ tục hành chính… được chính quyền tiếp thu và giải quyết.

Thống kê trong 1 tháng gần nhất (từ ngày 17/10 – 14/11) số lượt bài viết tuyên truyền đã tiếp cận người dân là 12.000 lượt (dân số 8.600 người); tiếp nhận 25 tin nhắn, trong đó có 14 tin nhắn có giá trị phản ánh về vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, giải quyết thủ tục hành chính, 5 tin nhắn cần giải đáp thông tin địa phương. Tất cả đều được giải thích, tuyên truyền và chỉ đạo giải quyết.

Ông Nguyễn Văn Thuật, người dân thôn Đông Tân, xã Đông Hà cho biết: Việc ứng dụng mạng xã hội, các hình ảnh trả lời công khai sẽ mang lại hiệu ứng tốt, tạo sự đồng lòng của nhân dân, tạo môi trường thoải mái thân thiện để người dân trao đổi thông tin 2 chiều với chính quyền địa phương. Việc này cũng giúp người dân quan tâm hơn đến các hoạt động tại nơi mình ở, tạo sức lan tỏa, đem lại hiệu quả cao hơn hẳn so với phương pháp tuyên truyền truyền thống trước đây.

Đối với một xã với quy mô dân số 8.600 người, những con số tiếp nhận qua cổng thông tin điện tử được địa phương đánh giá là hiệu quả và kịp thời hơn so với việc góp ý trực tiếp tại các cuộc tiếp xúc cử tri, hội họp. Mô hình này đã góp phần chuyển biến, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Lòng tin vào Đảng, chính quyền địa phương của người dân được củng cố và nâng cao để rồi cùng chia sẻ, chung tay với chính quyền giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình quản lý, điều hành.

NgỌc DiỆp



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khi người dân và chính quyền tương tác qua mạng xã hội