Theo dõi trên

Khi dân đồng lòng...

17/08/2020, 09:10 - Lượt đọc: 6

BT- Cũng thông qua tinh thần “Thua keo này, bày keo khác” trong sản xuất thanh long mà người dân Hàm Thuận Nam đã chung sức khắc phục những khó khăn, trở ngại trong cộng đồng bằng việc góp tiền xây dựng các công trình như giao thông, ánh sáng an ninh...

                
   Nhiều biệt thự sang trọng được xây dựng    trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam. Ảnh: N.Lân

Thích nghi

Cuối cùng 56 hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở Hàm Cần, Mỹ Thạnh được chính quyền Hàm Thuận Nam, doanh nghiệp hỗ trợ trồng 5.600 trụ thanh long vào 4-5 năm trước, giờ đã cơ bản thoát nghèo, có hộ đang chạm ngưỡng khá. Vì ngay năm 2016, người dân thấy một vài hộ trong số 56 hộ ấy, ngoài 100 trụ thanh long được hỗ trợ/hộ, cây phát triển tốt, còn mở rộng thêm diện tích. Vì thế, nói thanh long là cây thoát nghèo quả không sai, dù đợt thu hoạch này có thể được giá rất cao nhưng đợt khác lại có giá vô cùng thấp. Thời gian từ năm 2015 đến nay, giá thanh long cao thấp bất ngờ, đôi khi không đúng theo đúc rút lâu nay mà dân vùng chuyên canh thanh long hay thấy. Đó là hàng điện có giá cao vào 2 thời điểm hàng năm, gồm tháng 12 đến tháng chạp, vì cung ứng cho thị trường dịp tết và qua giêng, cung ứng cho thị trường tết thanh minh. Như năm 2016, vào tháng 8, thanh long hàng mùa, không phải hàng điện mà giá lại lên 26.000 đồng/kg. Dù thị trường “đỏng đảnh” nhưng hòa chung các mùa vụ lúc được, lúc mất trong năm thì thu nhập của dân ở đây vẫn cao hơn các nơi cùng làm nông và trồng cây khác. Vì vậy, bây giờ ven theo quốc lộ 1A đi qua địa bàn Hàm Thuận Nam, nhiều người ngỡ ngàng trước những căn biệt thự có giá trị hàng tỷ đồng, hơn thế có biệt thự còn lên đến hàng chục tỷ đồng. Đi sâu vào trong đường làng, ngõ xóm cũng có thể chiêm ngưỡng nhiều nhà mới đủ kiểu kiến trúc kèm theo nội thất sang chảnh; xe sang nổi tiếng của một số nước cũng có mặt đầy đủ trên đường khiến khung cảnh làng quê bỗng trù phú… Nhờ đời sống khấm khá lên, nhiều hộ nông dân lấn sân sang kinh doanh, thành lập cơ sở, công ty. 5 năm qua, toàn huyện có thêm 299 doanh nghiệp và 853 hộ kinh doanh, nâng tổng số lên 427 doanh nghiệp và gần 3.500 hộ kinh doanh cá thể, trong đó có 3.250 cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ thương mại. Theo đó, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện tăng 1,54 lần; nếu năm 2015 thu nhập 34 triệu đồng/người/năm thì đến năm 2020 đã lên 49,96 triệu đồng/người/năm, trong khi chỉ tiêu đề ra là 49 triệu đồng.

Trong kết quả chung đó, riêng hộ nghèo cũng sụt giảm dần hàng năm. Kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo vào cuối năm 2015 cho thấy trong tổng số 25.816 hộ dân với 113.944 khẩu thì có 775 hộ nghèo với 2.399 khẩu, chiếm tỷ lệ 3%. Qua 4 năm, từ 2016 - 2019, thực hiện các chính sách giảm nghèo, số hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm đều theo từng năm với số tổng đạt 591 hộ, vượt chỉ tiêu giao. Hiện còn 184 hộ nghèo, chiếm 1,3% so tổng số hộ trên địa bàn nhưng điều đáng bàn là con số này không có hộ người có công và đa phần rơi vào những hộ hưởng bảo trợ xã hội. Vì vậy, có thể hình dung thời gian tới những giải pháp để tiếp tục giảm hộ nghèo ở huyện Hàm Thuận Nam cũng sẽ khác, nhất là phải vực dậy tinh thần tự vươn lên của các hộ nghèo đó, tương tự như sự thích nghi giá lên xuống của thị trường mà người trồng thanh long ở đây đã thể hiện theo hướng “Thua keo này, bày keo khác”.  

Để dân đồng thuận  

Chính tinh thần trên mà việc nỗ lực trong chủ động cho sản xuất, giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng và cạnh tranh sản phẩm đã được nông dân lẫn doanh nghiệp thực hiện rất tích cực, thông qua việc đào ao tích nước, đầu tư công nghệ tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt, thiết bị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao... trên vườn thanh long. Và cũng thông qua tinh thần ấy mà những khó khăn, trở ngại trong cộng đồng được khắc phục, nhất là việc góp sức xây dựng những công trình mang lại lợi ích chung như giao thông, an ninh trật tự...Minh chứng, từ năm 2016 đến nay toàn huyện đã hoàn thành 88 tuyến đường bê tông xi măng với tổng chiều dài 33,324 km, có tổng kinh phí thực hiện 30,38 tỷ đồng thì trong đó, nhân dân đóng góp được 10,746 tỷ đồng. Rồi phong trào làm thủy lợi nhỏ và kiên cố hóa kênh nội đồng cũng được nhân dân hưởng ứng đóng góp nhiệt tình...

Và gần đây nhất là hơn 30 công trình, phần việc của các chi, đảng bộ cơ sở đăng ký công trình, phần việc chào mừng đại hội Đảng các cấp thì phần lớn trong đó là các công trình do nhân dân đóng góp. Cụ thể, Đảng bộ xã Hàm Thạnh với công trình ánh sáng an ninh theo tuyến đường 718 thôn Dân Cường, do nhân dân đóng góp 150 triệu đồng; Đảng bộ xã Hàm Mỹ với công trình xây dựng tuyến đường bê tông tổ 4 thôn Phú Phong với kinh phí 35% từ nhân dân đóng góp, tương ứng hơn 450 triệu đồng. Còn Đảng bộ xã Hàm Kiệm chọn công trình ánh sáng an ninh dọc theo quốc lộ 1A do dân đóng góp 100 triệu đồng, hay Đảng bộ xã Hàm Cường với công trình tuyến giao thông nông thôn Phú Sung, có sự đóng góp của dân 85 triệu đồng... Đặc biệt, có nhiều công trình mà cả cán bộ và nhân dân cùng góp sức như: Lắp trụ đèn ánh sáng an ninh và trồng cây xanh, Tuyến đường kiểu mẫu thôn Lập Phước – thôn Tà Mon của Đảng bộ thị trấn Thuận Nam...

Theo lãnh đạo một số xã, để vận động nhân dân đóng góp nhanh và triển khai hoàn thành công trình, phần việc theo đúng tiến độ, ngoài sự công khai mức đầu tư hợp lý của công trình cũng như phân tích hiệu quả mà công trình mang lại, trong đó nhấn mạnh sự thụ hưởng của các hộ dân, còn phải tính toán chia nhỏ hợp lý mức đóng góp cho từng hộ. Khi dân đồng thuận thì việc triển khai rất nhanh.

Vận động, thuyết phục nhân dân cùng thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương cũng là 1 tiêu chí hàng đầu, bên cạnh các tiêu chuẩn khác theo quy định để lựa chọn cán bộ trong nhiệm kỳ tới ở Hàm Thuận Nam. Vì thời gian qua, cấp huyện cũng đã tổ chức đối thoại với nhân dân 6 xã gồm Hàm Mỹ, Tân Thuận, Tân Lập, Tân Thành, Mương Mán và Hàm Thạnh; còn cấp xã, thị trấn cũng đã tổ chức hơn 60 cuộc đối thoại với nhân dân tại địa phương nên kết quả nhiệm vụ chính trị mang lại như ý muốn. Đó cũng là sự tiếp tục trong thời gian tới, vì tại báo cáo chính trị trình đại hội của Đảng bộ huyện có nhấn mạnh bài học kinh nghiệm liên quan. Đó là coi trọng công tác tuyên truyền, kiên trì vận động tạo sự đồng thuận cao nhất trong nhân dân, tích cực tham gia thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương; đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

    
    Bí thư Đảng bộ Hàm Thuận   Nam Nguyễn Minh cho biết:  Đến cuối tháng 6/2020, 29/29 chi, đảng bộ cơ sở của huyện đã tổ chức   xong đại hội. Do chuẩn bị chu đáo, thận trọng, kết quả bầu cử đối với   các chức danh chủ chốt tại các đại hội đều đúng như dự kiến. Số cấp ủy   viên được bầu tại đại hội là 267 đồng chí;  trong đó, tái cử là 187 đồng   chí, số lượng lần đầu tham gia là 80 đồng chí, với trình độ chuyên môn   nghiệp vụ từ đại học trở lên chiếm 68,51%. Ban Thường vụ khóa mới có 67   đồng chí; trong đó tái cử là 53 đồng chí, lần đầu tham gia Ban Thường vụ   là 14 đồng chí. Độ tuổi bình quân của cấp ủy viên là 43,15 tuổi; của Ban   Thường vụ là 43,7 tuổi.

 Bích NghỊ



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khi dân đồng lòng...