Theo dõi trên

Góp ý Dự thảo luật giáo dục:

23/05/2019, 09:26

Nên bỏ quy định về độ tuổi giáo dục phổ thông      

BTO - Sáng ngày 21/5, dưới sự chủ trì của Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội thảo luận dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Tham gia ý kiến góp ý dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Phúc, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận cho rằng dự thảo luật lần này đã được tiếp thu, chỉnh lý theo tinh thần Nghị quyết 29 của TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình sách giáo khoa và giáo dục phổ thông. 

Tuy nhiên, theo ĐB Phúc, từ thực trạng xã hội có nhiều vụ việc tiêu cực về hành vi ứng xử của giáo viên đối với học sinh và của các học sinh với nhau, Điều 22 dự thảo luật đã qui định các hành vi bị nghiêm cấm trong cơ sở giáo dục như: Cấm xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể; cấm xuyên tạc nội dung giáo dục, cấm gian lận trong kiểm tra, thi cử; cấm hút thuốc, rượu bia, gây rối, ép học sinh học thêm ... , theo ĐB Phúc, qui định như thế là chưa đủ, chưa bao quát hết các vấn đề xảy ra trong nhà trường. Vấn đề đạo đức trong nhà trường là rất quan trọng, thầy phải là tấm gương sáng cho học sinh noi theo, trò phải là trò ngoan. Vì vậy cần phải được rà soát bổ sung thêm các hành vi bị nghiêm cấm trong cơ sở giáo dục như: Cấm gian lận trong đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của học sinh;  Cấm dạy sai phương pháp và nội dung kiến thức, không đúng với quan điểm, đường lối giáo dục của Đảng và Nhà nước Việt Nam; Cấm sử dụng các chất kích thích khác khi đang tham gia các hoạt động giáo dục.

Về tuổi của giáo dục phổ thông: Dự thảo luật có nêu tuổi của học sinh vào học lớp 1 là 6 tuổi; tuổi của học sinh vào học lớp 6 là 11 tuổi; tuổi của học sinh vào lớp 10 là 15 tuổi. Học sinh có thể học vượt lớp, học ở tuổi cao hơn tuổi qui định trong trường hợp phát triển sớm về trí tuệ, học sinh ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, học sinh người dân tộc thiểu số, học sinh khuyết tật, học sinh kém phát triển, học sinh mồ côi không nơi nương tựa, học sinh trong diện hộ nghèo và học sinh ở nước ngoài về.

Theo ĐB Phúc qui định như thế là cứng nhắc, là bó hẹp, có nguy cơ tước đi quyền được học tập của nhiều cháu vì một lý do nào đó không đến trường được theo như độ tuổi đã qui định và không đáp ứng các điều kiện có thể học vượt lớp, học ở tuổi cao hơn như các cháu bị bệnh nặng, các cháu thuộc gia đình không hòa thuận dẫn đến ham chơi gián đoạn việc học một thời gian, sau đó suy nghĩ, nhận thức lại và tiếp tục muốn đi học. Do vậy, ĐB Phúc đề nghị bỏ quy định về độ tuổi của giáo dục phổ thông, chỉ cần quy định chuyển tiếp hoàn thành cấp học ở cấp dưới thì có thể tiếp tục học cấp học tiếp theo là đủ.

Về sách giáo khoa giáo dục phổ thông để bảo đảm chất lượng của chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông dự thảo luật cũng qui định vai trò, trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ giáo dục, Ủy ban nhân dân các địa phương và Hội đồng Quốc gia thẩm định chương trình sách giáo khoa và Hội đồng thẩm định tài liệu giáo dục cấp tỉnh. UBND tỉnh quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa sử dụng ổn định trong các cơ sở  giáo dục phổ thông trên địa bàn, nhưng để việc qui định chặt chẽ hơn, tránh trường hợp việc lựa chọn sách giáo khoa được lựa chọn theo từng năm hoặc theo từng nhiệm kỳ, ĐB Phúc đề nghị cần qui định cụ thể trong dự thảo luật 1 điều về điều kiện được thay đổi việc lựa chọn sách giáo khoa của từng tỉnh.

Phúc Nguyễn



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Sức lan tỏa từ phong trào thi đua “Dân vận khéo”
Thực hiện lời dạy của Bác: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã có nhiều đổi mới trong công tác dân vận ở cơ sở. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Góp ý Dự thảo luật giáo dục: