Theo dõi trên

Giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị xã hội

23/04/2019, 15:53

BTO- Đó là một trong những ý kiến được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến của Ban chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế vào sáng 23/4. Ở đầu cầu tỉnh Bình Thuận, có Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Hai tham dự.

                
      Hội nghị tại đầu cầu UBND tỉnh Bình Thuận.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, trong 5 năm qua, tình hình thế giới và khu vực chuyển biến nhanh, phức tạp, tác động sâu rộng đến công tác hội nhập quốc tế của nước ta. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, toàn cầu hóa, hợp tác và liên kết kinh tế đa tầng tiếp tục được thúc đẩy.

Triển khai Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, 5 năm qua(2014- 2019), Việt Nam đã thu được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào duy trì hòa bình, ổn định, tạo môi trường thuận lợi và thu hút các nguồn lực quan trọng cho công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ tổ quốc. Điển hình, việc giữ vững an ninh và ổn định biên giới trên bộ, chủ động, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo; thường xuyên thông tin, đối ngoại trong lĩnh vực dân chủ nhân quyền. Công tác bảo hộ công dân luôn được chú trọng và thực hiện hiệu quả với gần 45.000 lượt công dân gặp khó khăn, hoạn nạn ở nước ngoài được bảo hộ, trong đó có 9.300 ngư dân…

Theo Thủ tướng, hội nhập quốc tế đã góp phần quan trọng trong các thành tựu to lớn về phát triển kinh tế xã hội. Nhất là chúng ta đã giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị xã hội.Đồng thời, chủ động hội nhập quốc tế, thu hút thêm nguồn lực bên ngoài cùng với nội lực trong nước, tạo nên động lực phát triển quốc gia mạnh mẽ đạt nhiều thành tựu to lớn.

Thủ tướng cũng đề nghị nhận thức rõ những vấn đề còn tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Phân tích, dự báo tình hình quốc tế trong nước, nhất là cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức từ nay đến năm 2020 và trong 5 năm, 10 năm tới. Trong đó phải đặc biệt chú ý tới sự tiến bộ nhanh chóng của cách mạng công nghiệp 4.0.Đồng thời, đề nghị Ban chỉ đạo cần xác định rõ tầm nhìn, mục tiêu, định hướng chiến lược đối với công tác hội nhập.Từ đó đề ra những nhiệm vụ, giải pháp, kế hoạch, chương trình hành động đối với từng lĩnh vực.

Đặc biệt là về các nội hàm cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể thúc đẩy hội nhập quốc tế chủ động, hiệu quả, bền vững, góp phần thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch 5 năm 2016-2020 và chuẩn bị xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021 – 2030…Đề nghị Ban chỉ đạo quốc gia và từng thành viên cần lưu ý các vấn đề, trong đó không được chủ quan với các kết quả đạt được; cần có chính sách, đối sách phù hợp hơn.

Hiện nay, nguy cơ tụt hậu vẫn là thách thức lớn của nước ta; các thế lực thù địch, phản động không ngừng chống phá, tệ nạn ma túy, buôn người ngày càng phức tạp. Do đó, cần lưu tâm đến những ảnh hưởng bên ngoài để có đối sách phù hợp, ổn định chính trị, xã hội. Kiểm điểm hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia, các ban chỉ đạo liên ngành; đặc biệt lưu ý những hạn chế, tồn tại, cách tổ chức thực hiện để tập trung khắc phục, kiện toàn cơ cấu của Ban Chỉ đạo quốc gia và các ban chỉ đạo liên ngành để triển khai nhiệm vụ tốt hơn thời gian tới.

Riêng tại Bình Thuận, trong năm 2018 đã thu hút được 103 dự án, tổng số vốn đăng ký khoảng 32.004 tỷ đồng, trong đó không có dự án có vốn đầu tư nước ngoài nào. Tỉnh tiếp nhận 3 chương trình, dự án viện trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, giá trị tiếp nhận 1.656.282 USD. Tính đến tháng 10/2018, toàn tỉnh có 14 chương trình, dự án nhận viện trợ từ các tổ chức phi chính phủ đang hoạt động. Ngoài ra trong năm 2018, UBND tỉnh đã bố trí kinh phí thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại và hỗ trợ xuất khẩu với số tiền 1,5 tỷ đồng, trong đó có 900 triệu đồng cho chương trình xúc tiến thương mại, phát triển mở rộng thị trường tiêu thụ thanh long…

K.Hằng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị xã hội