Theo dõi trên

Đường vào cuộc sống của nghị quyết

13/09/2021, 08:34

BT- Nghị quyết được xây dựng sát thực tế, triển khai sớm, ít trở ngại đồng nghĩa nghị quyết ấy được “đơm hoa kết trái” trong cuộc sống nhanh, hay có chậm nhất cũng rõ “hình dáng” trong năm cuối nhiệm kỳ. Năm 2021, năm đầu tiên của 1 nhiệm kỳ cũng là thời điểm dịch bệnh bùng phát, Đảng bộ Bình Thuận đã triển khai 2 chương trình hành động thực hiện 2 nghị quyết Đại hội của Trung ương, của tỉnh, mà cụ thể là xây dựng các Nghị quyết chuyên đề… như thế nào để phần lớn đều chính thức đi vào cuộc sống và bắt đầu từ giữa tháng 9 này.

Bài 1: Ứng phó khó khăn nảy sinh

Linh hoạt hỗ trợ sớm   

Thanh niên Phan Thiết giúp đỡ người dân. Ảnh: N.Lân

Những ngày qua, nhiều người dân trong tỉnh rộn ràng với phần gạo của Chính phủ gửi cứu trợ cho Bình Thuận hơn 4.000 tấn. Để những phần gạo này đến tay từng hộ dân, hệ thống chính trị ở các huyện, thị, thành phố hầu như gắng làm hết việc chứ không hết giờ. Vì đâu chỉ nhận, phát gạo, các cơ quan liên quan, UBND các xã, phường, thị trấn còn phải khẩn trương rà soát và có danh sách đầy đủ về những người lao động không có giao kết hợp đồng lao động, hay gọi cách khác là lao động tự do trên địa bàn. Qua đó, hướng dẫn họ làm đơn theo mẫu quy định và tiếp nhận đơn bằng các hình thức phù hợp đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch Covid-19 như qua zalo, email…Và hơn tất cả, tính toán chuyển tiền hỗ trợ sớm, ngay cả khi họ có nằm trong khu phong tỏa, cách ly y tế đi nữa.

Đó là chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 3203 về khẩn trương triển khai thực hiện quyết định số 2108/QĐ-UBND ngày 23/8/2021. Chuyện là những ngày đầu triển khai Quyết định 2108 có nhiều dính mắc, vì thị xã La Gi và TP. Phan Thiết áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, cộng thêm công việc này mất thời gian trong hoàn tất giấy tờ. Trong khi người lao động tự do cần cứu trợ khẩn cấp nên sự linh hoạt trong cách tiếp nhận hồ sơ, cùng xác định lịch cứ 3 ngày UBND tỉnh phê duyệt hồ sơ 1 lần đã giúp việc hỗ trợ được triển khai nhanh hơn và thuận tiện hơn. Như vậy, kế hoạch hỗ trợ cho những người lao động tự do và một số đối tượng đặc thù gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trong đợt này dự kiến khoảng 60 tỷ đồng, mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người từ tờ trình của UBND tỉnh mà Thường trực Hội đồng nhân dân và Thường trực Tỉnh ủy đã thông qua chủ trương giữa tháng 8 rồi đang chuyển đến dân. Trước đó, tỉnh cũng đã chỉ đạo MTTQVN tỉnh xuất nguồn kinh phí từ Quỹ ủng hộ phòng chống dịch Covid-19 trên 4,648 tỷ đồng để hỗ trợ cho 4.648 hộ nghèo và người già neo đơn không nơi nương tựa. Tất cả nhằm giúp những mảnh đời dễ tổn thương vượt qua bước ngoặt để sau đó còn được tiếp sức vươn lên qua 1 nghị quyết có nội dung liên quan vào giữa năm 2022.

 San sẻ với doanh nghiệp

Tương tự, trường hợp người lao động làm việc trong các doanh nghiệp ở La Gi và Phan Thiết trong vài ngày qua cũng được gỡ khó qua Công văn số 2558 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Theo đó, trong trường hợp bất khả kháng không thể có văn bản thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương thì người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận bằng các hình thức khác như qua điện thoại, tin nhắn, thư điện tử. Đồng thời cũng đề nghị chính quyền chỉ đạo tuyên truyền để người sử dụng lao động biết, lập danh sách sớm đề nghị hỗ trợ cho người lao động… Nhờ vậy, La Gi, Phan Thiết triển khai không còn vướng. Còn tại các huyện khác, việc thực hiện Quyết định 1830/QĐ- UBND của UBND tỉnh ban hành ngày 20/7/2021 quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68 của Chính phủ và Quyết định số 23 của Thủ tướng chính phủ với 10 nội dung hỗ trợ cũng đã có kết quả ban đầu.

Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, đến ngày 9/9/2021, với chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, BHXH tỉnh đã giảm cho 3.188 đơn vị, doanh nghiệp/86.400 lao động với số tiền gần 7 tỷ đồng. Bên cạnh, chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, cũng đã có 13 doanh nghiệp/3.793 lao động được giảm hơn 7,6 tỷ đồng. Hay chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã tiếp nhận hồ sơ của 85 doanh nghiệp, trong đó UBND tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ cho 67 doanh nghiệp/1.165 lao động với số tiền hơn 4,6 tỷ đồng…

Ngoài ra, thông tin từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bình Thuận cho thấy, đến ngày 1/9, các chi nhánh ngân hàng tại tỉnh đã giúp gần 10.000 khách hàng phần lớn là doanh nghiệp được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ với số tiền 548,4 tỷ đồng cũng như giảm lãi vay 1,21 tỷ đồng. Đồng thời, cho vay mới với lãi suất thấp hơn trước dịch được 24.876 tỷ đồng/7.176 khách hàng…

Tất cả các chính sách hỗ trợ trên như một cách san sẻ gánh nặng cho doanh nghiệp ở các góc độ khác nhau nhằm giúp doanh nghiệp có thể quay lại hoạt động sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

 Chương trình hành động 16 xuất hiện

Nếu năm ngoái, dịch Covid- 19 như là ghé qua thì năm nay, dịch hoành hành tại tỉnh kéo dài, lây lan ở tất cả các huyện, thị, thành phố, ngoại trừ Phú Quý với con số gần 2.800 ca dương tính. Tất cả đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của nhân dân; sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Trước đó, trong quá trình xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chúng ta đã không lường trước được những tác động, ảnh hưởng của dịch bệnh nên những dự báo, kỳ vọng về sự phát triển mạnh mẽ của năm 2021, bây giờ đã có nhiều sự thay đổi mà thấy rõ nhất là đời sống người dân đang rất khó khăn… 

Trong bối cảnh trên, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 16-NQ/TU thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Trong đó nhấn mạnh Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung nêu trong Chương trình hành động số 06-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa XIV) về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025 (Nghị quyết 06); đồng thời bổ sung thêm 4 nhiệm vụ mới để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Mà nổi bật là chăm lo đời sống nhân dân bằng Nghị quyết của Tỉnh ủy về “Một số chủ trương, giải pháp nâng cao đời sống cho nhân dân tỉnh Bình Thuận” ban hành trong quý II/2022.

Có thể nói nội dung, nhiệm vụ Chương trình hành động số 16 như một sự ứng phó với khó khăn nảy sinh hiện nay tại tỉnh. Hiện tại, 4 nhiệm vụ mới ấy gồm hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp đang được tập trung, việc thu hút vốn đầu tư xã hội đang tăng 34,6 % so cùng kỳ, các công trình trọng điểm quốc gia và của tỉnh đang được đẩy nhanh tiến độ thi công… Nhưng những tháng còn lại của năm 2021, bên cạnh dịch bệnh còn có thêm thiên tai, liệu việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm đầu tiên của nhiệm kỳ mới này có đạt được kế hoạch, có ảnh hưởng đến quá trình thực hiện của Nghị quyết 06?

Chương trình hành động số 16 bổ sung thêm 4 nhiệm vụ mới. Đó là ban hành thêm 1 nghị quyết về “Một số chủ trương, giải pháp nâng cao đời sống cho nhân dân tỉnh Bình Thuận”; thực hiện nhanh, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tạo điều kiện phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh các giải pháp tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi để thu hút các dự án đầu tư có quy mô lớn phát triển kinh tế - xã hội; tập trung nguồn lực, sớm hoàn thành các công trình trọng điểm, các công trình tạo động lực phát triển, các công trình chỉnh trang đô thị, các công trình bức xúc liên quan đến đời sống của số đông nhân dân…

Bích Nghị - Lê Thành



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đường vào cuộc sống của nghị quyết