Theo dõi trên

Đôi điều về kết quả giải Cờ đỏ Bình Thuận năm 2018

12/11/2018, 10:02

BT- Giải Cờ đỏ là một giải thưởng báo chí có chủ đề về xây dựng Đảng do Tỉnh ủy Bình Thuận tổ chức hàng năm. Vừa qua, Hội đồng xét chọn tác phẩm giải Cờ đỏ đã họp để thống nhất kết quả chấm điểm của giải năm 2018, dưới sự chủ trì của đồng chí Hồ Trung Phước - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy - Chủ tịch Hội đồng xét chọn giải Cờ đỏ tỉnh.

                
Trao giải Cờ đỏ Bình Thuận năm 2017. Ảnh:    Đ.Hòa

Tham dự giải Cờ đỏ Bình Thuận lần thứ II – năm 2018 có 44 tác phẩm thuộc các thể loại báo giấy (16 tác phẩm), báo điện tử (6 tác phẩm), truyền hình (16 tác phẩm) và phát thanh (6 tác phẩm) từ các đơn vị Báo Bình Thuận (BT), Đài Phát thanh - Truyền hình (PTTH) tỉnh, Tạp chí Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, Đài TT-TH huyện Đức Linh, Đài TT-TH Tánh Linh, Đài TT-TH Hàm Thuận Bắc, Huyện ủy Hàm Thuận Bắc, Huyện ủy Bắc Bình và Phòng Công tác Chính trị - Công an tỉnh. Hội đồng xét chọn gồm 8 thành viên, là lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, lãnh đạo và các nhà báo thuộc Đài PTTH tỉnh, Báo BT và Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh. Trên tinh thần công bằng, khách quan và thực hiện đúng các tiêu chí của điều lệ giải, Hội đồng xét chọn giải Cờ đỏ tỉnh lần thứ II - năm 2018 đã chấm điểm và chọn được 20 tác phẩm có số điểm cao nhất để trao giải, gồm:  Không có tác phẩm đạt giải A, 4 tác phẩm đạt giải B, 6 tác phẩm đạt giải C và 10 tác phẩm đạt giải khuyến khích cho các thể loại báo in, báo điện tử, truyền hình và phát thanh.

Các tác phẩm tham dự giải Cờ đỏ năm nay (2018) so với năm trước (2017) đã tăng về mặt số lượng và khá hơn về chất lượng. Giải năm nay, bên cạnh những phóng viên trẻ, năng động còn có nhiều cây bút là những phóng viên bậc cao, nhà báo nhiều tuổi nghề, nhiều kinh nghiệm viết báo tham gia dự thi, do đó đã có những tác phẩm phong phú, đa dạng cả về thể loại và nội dung tác phẩm. Tuy nhiên, do điều lệ giải quy định tác phẩm đạt giải A phải có điểm bình quân đạt từ 9.0 điểm trở lên (thang điểm 10) nên khá khó khăn để có tác phẩm giải A (năm 2017 cũng không có tác phẩm đạt giải A).

Các tác phẩm dự thi giải Cờ đỏ năm nay hầu hết đều đúng chủ đề xây dựng Đảng, với nhiều thể loại phong phú, đa dạng.  Ở báo giấy và báo điện tử có các thể loại phóng sự, bút ký, ký chân dung… nên kỹ thuật viết cũng khá hơn năm trước. Một số tác giả đã kết hợp văn phong báo chí với văn chương nên tác phẩm dễ đọc, thu hút và tạo được cảm xúc cho độc giả ở một chủ đề được coi là “khô”; đó là các tác phẩm: “Khi dân với Đảng một chữ “đồng”, “Nữ đặc công thời bình”. Một số tác phẩm có sự đầu tư khá công phu, bám sát thực tiễn công tác đảng ở cơ sở, đồng thời phản ảnh được “hơi thở” cuộc sống ở nông thôn; đó là các tác phẩm “Sức sống mới từ Chỉ thị 05”, “Dân vận -  cầu nối giữa Đảng với nhân dân”, “Chuyện ở một đảng bộ không có đơn tố cáo”. Một số tác phẩm mang tính thời sự cao, phản ảnh việc thực hiện đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống; đó là tác phẩm “Sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế: chuyện không chỉ ở chính quyền”…

Ở các tác phẩm truyền hình và phát thanh cũng đã có sự đầu tư khá công phu, có nhiều nhóm tác giả cùng tham gia dự thi. Nhiều thể loại phong phú như phóng sự truyền hình, phim tài liệu, câu chuyện truyền thanh có kịch bản tốt và thời lượng phát sóng dài trên 10 phút…  Các tác phẩm: “Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới”, “Đổi thay vùng đất khô hạn”, “Chuyển biến từ một chỉ thị”, “Muốn dân tin phải chọn việc bức xúc giải quyết”, “Định vị thương hiệu vùng lúa”… là những tác phẩm có nội dung, sự kiện đang được dư luận xã hội quan tâm, phản ảnh được những thành quả phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời cũng là thành quả trong công tác xây dựng Đảng. Nhiều tác phẩm truyền hình đảm bảo tính nghệ thuật đặc trưng của báo hình, bố cục hài hòa, hình ảnh sống động, âm thanh chất lượng, thu hút và tạo được hiệu ứng tốt đối với trong công tác tuyên truyền, đối với bạn xem đài.

Tuy nhiên bên cạnh những mặt được cũng còn một số mặt hạn chế cần lưu ý để khắc phục ở giải năm sau. Đó là, phần lớn chất lượng tác phẩm dự thi ở dạng khá, thiếu những tác phẩm xuất sắc, vượt trội để đạt được giải A. Ở thể loại báo điện tử và phát thanh còn ở dạng trung bình về chất lượng và ít về số lượng. Còn ít tác phẩm báo chí mang tính phát hiện mô hình hay, nhân tố mới, đặc biệt là phần kinh nghiệm, giải pháp trong công tác xây dựng Đảng còn ít đề cập. Lĩnh vực Đảng lãnh đạo chống tham nhũng, chống tiêu cực, thực hiện chỉnh đốn Đảng còn bỏ ngỏ trong cuộc thi năm nay. Một số tác phẩm còn chưa bám sát chủ đề xây dựng đảng. Một số tác phẩm chưa có sự đầu tư công phu, còn dựa vào báo cáo nên bài viết khô cứng, thiếu sức thuyết phục bạn đọc. Giải năm nay cũng chưa có sự tham gia của các nhà báo là những phóng viên thường trú trên địa bàn tỉnh…

Hội đồng xét chọn giải Cờ đỏ năm 2018 đã thống nhất kết quả giải như sau:

Giải A: không có;

Giải B (4 giải) gồm: “Khi dân với Đảng một chữ “đồng””- tác giả Hà Thanh Tú (Báo BT); “Dân vận khéo trong xây dựng Nông thôn mới” - Trần Minh Bảo (Đài TT-TH Đức Linh); “Sức sống mới từ Chỉ thị 05” - Thanh Duyên - Minh Vân (Báo BT); “Đổi thay vùng đất khô hạn”- Hà Giang - Lâm Khoa - Hưng Phúc - Yến Vy (Đài PTTH);

Giải C (6 giải) gồm các tác phẩm: “Dân vận - cầu nối giữa Đảng với nhân dân” - Thu Hà (Báo BT); “Chuyển biến từ một chỉ thị” - Xuân Bình - Khánh Phong - Phương Thông - Nghĩa Thương (Đài PTTH); “Chuyện ở đảng bộ không có đơn tố cáo”- Hữu Luân (Báo BT); “Muốn dân tin phải chọn việc bức xúc giải quyết” - Huỳnh Hiền - Hữu Tường - Lê Hưng - Ánh Nguyệt (Đài PTTH); “Bình Thuận với lộ trình nhất thể hóa và sắp xếp, tinh gọn bộ máy” - Nguyên Thuận - Khánh Phong- Lê Hưng - Ánh Nguyệt (Đài PTTH); “Sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế: Chuyện không chỉ ở chính quyền!” - Hà Thu Thủy (Báo BT).

Giải khuyến khích (10 giải) gồm các tác phẩm: “Bình Thuận chuyển biến trong việc xử lý vấn đề báo chí nêu”- Thanh Nhàn- Lâm Khoa- Kỳ Nam (Đài PTTH); “Anh Sáu với trang đời huyền thoại”- Phan Chính (Tạp chí Văn nghệ); “Định vị thương hiệu một vùng lúa” - Văn Hùng - La Tuân - Ngọc Hiển - Phú Toàn - Thùy Trang (Đài PTTH); “Niềm tin từ trong công việc thầm lặng” - Thu Thủy- Mậu Phong - Chí Trung - Lê Hưng (Đài PTTH); “Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 2.000 ha: Sẽ phủ xanh “sa mạc” cát” - Kiều Hằng (Báo BT); “Câu chuyện về một người đứng đầu”- Khắc Trung- Ngọc Bảo- Yên Đan (Đài PTTH); “Nữ “Đặc công” thời bình” - Hữu Cán (Báo BT); “Nơi này Bác đã đi qua” - Bích Phượng - Hưng Phúc - Kỳ Nam - Hoàng Sơn (Đài PTTH); “Học tập nghị quyết của Đảng ở Đảng bộ Công an tỉnh” - Thành Long - Hoàng Phương (Công an tỉnh); “Mô hình được người dân đồng tình ủng hộ” - Lê Thái - Duy Minh - Phúc Khánh - Hải Long - Duy Thiện - Thúy Nga -  Kỳ Nam (Đài PTTH).

Theo thể lệ, các tác giả đạt giải sẽ được nhận giấy khen của Ban tổ chức cuộc thi, kèm theo tiền thưởng (giải A trị giá 20 triệu đồng, giải B15 triệu đồng, giải C 10 triệu đồng, giải khuyến khích 5 triệu đồng/ mỗi giải). Các tác phẩm đạt giải Cờ đỏ của tỉnh được Ban tổ chức cuộc thi gửi tham dự Giải  Báo chí xây dựng Đảng toàn quốc (mang tên giải Búa liềm vàng) năm 2018.

Giải Cờ đỏ Bình Thuận lần thứ II năm 2018 dự kiến sẽ được tổng kết và trao thưởng vào dịp lễ kỷ niệm 89 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2019).

Huỳnh Thanh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đôi điều về kết quả giải Cờ đỏ Bình Thuận năm 2018