Theo dõi trên

Đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an

05/06/2019, 10:04 - Lượt đọc: 48

Làm sao để xử lý đối tượng ngáo đá?

BTO- Sáng ngày 4/6, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, là thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn trả lời phiên chất vấn tại kỳ họp Quốc hội.

 Người đứng đầu ngành công an trả lời chất vấn về nhóm vấn đề an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Trong đó, các nội dung gồm đấu tranh, phòng chống tội phạm về sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy; công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm giết người, tội phạm liên quan tới hoạt động tín dụng đen, băng nhóm hoạt động theo kiểu "xã hội đen", tổ chức đường dây mang thai hộ xuyên quốc gia; phòng chống tội phạm xâm hại phụ nữ, trẻ em.

 Đã có 49 đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn Bộ trưởng Tô Lâm, đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh, thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận chất vấn Bộ trưởng Tô Lâm với 2 nội dung:

 Thứ nhất, thời gian vừa qua cả nước nói chung và Bình Thuận nói riêng đã xảy ra nhiều vụ ngáo đá gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như giết người hoặc bắt cóc con tin. Được biết, Bộ Công an đã có văn bản hướng dẫn xử lý trường hợp này nhưng chỉ khi nào xảy ra hậu quả, nếu chưa xảy ra hậu quả thì chưa xử lý hình sự được. Xin Bộ trưởng cho biết hướng xử lý loại đối tượng này để đảm bảo an ninh, trật tự địa phương?

Thứ hai, tại Bình Thuận ngành công an đang tập trung lập hồ sơ quản lý người nghiện ma túy. Tuy nhiên, một số đối tượng chống đối, không chịu đi xét nghiệm tình trạng nghiện nhưng hiện chưa có chế tài xử lý. Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp giải quyết tình trạng trên.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng: Về vấn đề lập hồ sơ quản lý người nghiện ma túy và đưa người nghiện vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc gặp nhiều khó khăn. Hiện nay đưa một người nghiện vào cai nghiện tại cơ sở bắt buộc phải trải qua 6 bước và 4 cơ quan để tiến hành việc này. Nhiều nội dung nếu người cai nghiện và gia đình không hợp tác rất khó thực hiện như đại biểu Quốc hội đã nêu. Để giải quyết vấn đề này, Bộ Công an có một số giải pháp:

Một là, đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy. Để giảm nguồn cung trong nước thì việc quản lý và cai nghiện người nghiện trong nước là vấn đề quan trọng. Trong lộ trình, Bộ sẽ đề xuất Quốc hội sẽ có chương trình vào năm tới, Bộ đang tổng kết thực hiện Luật Phòng, chống ma túy và đề xuất sửa đổi có những biện pháp hữu hiệu hơn.

Thực tế còn nhiều vướng mắc nhưng nhiều địa phương đã vận dụng linh hoạt các quy định, có nhiều cách làm hay để làm tốt công tác quản lý và đưa người nghiện vào các cơ sở cai nghiện. Trong khi chờ sửa luật, Bộ Công an đang chỉ đạo phổ biến nhân rộng những cách làm hiệu quả của nhiều địa phương khác liên quan đến vận động đưa người cai nghiện, tập trung việc quản lý cai nghiện. Tăng cường công tác quản lý người nghiện, đề phòng hiện tượng ngáo đá là nguyên nhân gây ra tội phạm như các đại biểu đã quan tâm.

Sẽ hướng dẫn nghiệp vụ nhận diện kẻ ngáo đá

Chưa đồng tình với phần trả lời của Bộ trưởng Tô Lâm, đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh tiếp tục cho rằng: Đại biểu đặt ra 2 câu hỏi, vấn đề thứ nhất đã được Bộ trưởng đề cập, còn tình trạng ngáo đá dẫn đến những hành động vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng, tôi biết Bộ trưởng có văn bản hướng dẫn xử lý những trường hợp ngáo đá xảy ra hậu quả nghiêm trọng, còn trường hợp chưa xảy ra hậu quả thì không xử lý hình sự được. Như vậy hết sức khó khăn trong xử lý những trường hợp ngáo đá.

Sau khi đại biểu Cảnh đặt lại câu hỏi, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết: Vấn đề quản lý các đối tượng ngáo đá trước khi gây án, Bộ sẽ tăng cường hướng dẫn công an các đơn vị địa phương về quản lý các loại đối tượng này, hướng dẫn về các mặt nghiệp vụ để nhận diện, lên danh sách các đối tượng ngáo đá và có các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, quản lý các hoạt động của các đối tượng này ngay tại cơ sở.

 Đây chỉ là biện pháp để quản lý những đối tượng đó, để đề phòng các đối tượng này gây án, vì khả năng gây án của các đối tượng nghiện, các đối tượng ngáo đá rất lớn, cần có biện pháp. Người ta chưa có hành vi phạm tội, chưa thể xử lý vấn đề đó. Khi đã ngáo đá và có hành vi phạm tội rồi thì xử lý rất nghiêm theo quy định của pháp luật.

Phúc Nguyễn



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Nhiều công trình, dự án trọng điểm sẽ được triển khai năm 2024
Chiều 28/3, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin – Truyền thông và Hội Nhà báo tỉnh tổ chức Hội nghị giao ban báo chí tháng 3/2024. Tham dự buổi họp có đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành liên quan và các cơ quan báo chí của tỉnh, Trung ương thường trú tại Bình Thuận.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an