Theo dõi trên

Củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân với Đảng

05/09/2019, 15:02

Bài 1:  Mặt trận giám sát, phản biện xã hội

BT- Từ khi Bộ Chính trị ban hành “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội (Ban hành kèm theo Quyết định số 217 của Bộ Chính trị) vào ngày 12/12/2013, đã mở ra một bước ngoặt lớn trong nhận thức và là cơ sở chính trị để MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện chức năng, nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội, đáp ứng những yêu cầu bức thiết đặt ra trong giai đoạn hiện nay.

                
      
   Ký kết chương trình phối hợp giám sát,    phản biện xã hội của MTTQVN, các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh.

Giải quyết dứt điểm vụ việc kéo dài

Còn nhớ cách đây 5 năm (năm 2015), tại các buổi tiếp xúc cử tri hay kỳ họp HĐND xã Huy Khiêm (huyện Tánh Linh), 7 hộ dân ở thôn 2 đã nhiều lần đề nghị giải quyết cho nộp tiền đất tái định cư và yêu cầu cấp quyền sử dụng đất cho bà con. Theo các hộ phản ánh, năm 2008 sau khi nhà nước có chủ trương giải phóng mặt bằng thi công công trình tuyến kênh mương Bắc Tà Pao, bà con đã thực hiện nghiêm chủ trương của huyện và giao mặt bằng nhận được tiền đền bù. Nhưng khi 7 hộ dân đến nhận tiền đền bù và đề nghị cho đóng số tiền đất mà UBND huyện bố trí để tái định cư song xã không thu vì cho rằng chưa biết chính xác số diện tích cấp cho từng hộ. Vụ việc kéo dài đến 7 năm (từ năm 2008 đến năm 2015) nhưng vẫn chưa được giải quyết, đã ảnh hưởng đến việc ổn định cuộc sống lâu dài của bà con và việc chuyển nhượng thế chấp ngân hàng để vay vốn phát triển kinh tế gia đình.

Sau khi Quyết định 217 có hiệu lực, MTTQVN huyện Tánh Linh xác định đây là vấn đề bức xúc, liên quan đến quyền lợi chính đáng của người dân nên đã chọn nội dung này để đề xuất Ban Thường vụ Huyện ủy tổ chức giám sát và đã được thống nhất. Trên cơ sở đó, Ban Thường trực UBMTTQVN huyện xây dựng kế hoạch, thành lập đoàn giám sát và tiến hành thực hiện giám sát. Trước khi tiến hành giám sát, đoàn đi thực tế địa bàn, gặp gỡ 7 hộ dân ở thôn 2 để nắm thông tin, tình hình và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Đồng thời, làm việc với UBND các xã, thị trấn, các ngành liên quan để có cơ sở phục vụ tốt cho công tác giám sát. Qua giám sát phát hiện những sai sót trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 7 hộ dân thôn 2, xã Huy Khiêm. Đoàn giám sát đã đề nghị UBND huyện kiến nghị ngành chức năng cấp có thẩm quyền hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 7 hộ dân thôn 2, xã Huy Khiêm. Sau kiến nghị của UBND huyện, 7 hộ dân đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đến nay đã ổn định cuộc sống. Nhắc lại chuyện này, 1 hộ dân cho rằng: “Nếu UBMTTQVN huyện không vào cuộc và có sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, chính quyền thì có lẽ đến hôm nay 7 hộ dân chúng tôi vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Chúng tôi cảm ơn Đảng, chính quyền đã giúp đỡ người dân lấy lại quyền lợi của mình”. Theo Mặt trận huyện Tánh Linh, đây là hoạt động giám sát đầu tiên thực hiện theo Quyết định 217 của Bộ Chính trị và đã đem lại thành công bước đầu để thực hiện những nội dung giám sát những năm tiếp theo.  

Chọn vấn đề nhân dân bức xúc để giám sát

Triển khai nhiệm vụ giám sát theo Quyết định 217 của Bộ Chính trị,  UBMTTQVN các cấp trong tỉnh đã chủ động, bám sát tình hình thực tế tại địa phương, những vấn đề bức xúc của nhân dân, của cử tri để kịp thời kiến nghị, xây dựng kế hoạch giám sát hàng năm. Thực hiện ký kết các chương trình phối hợp giám sát giữa MTTQVN tỉnh với các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan nhà nước có liên quan.

 Qua 5 năm thực hiện (2015 – 2019), UBMTTQVN các cấp ở cơ sở đã chủ trì và tham gia cùng các cơ quan, tổ chức giám sát nhiều nội dung quan trọng liên quan đến quyền lợi, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Minh chứng, đã tiến hành giám sát 710 cuộc, trong đó cấp tỉnh 9 cuộc, cấp huyện 82 cuộc, cấp xã 619 cuộc. Các hoạt động giám sát được triển khai có hiệu quả ở nhiều nơi và tạo dấu ấn sâu sắc trong nhân dân. Điển hình như giám sát việc thực hiện Quy chế dân chủ trong thực hiện dự án đường Lê Duẩn; việc bồi thường thiệt hại về nhà ở cho một số hộ dân ở xã Vĩnh Tân bị ảnh hưởng do việc nổ mìn thi công nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4; việc triển khai chính sách tín dụng theo Nghị định 67/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản… Qua hoạt động giám sát, vai trò, vị trí của Mặt trận ngày càng được nâng lên. Nhờ việc thường xuyên giám sát giúp cho các cơ quan chuyên môn của UBND các cấp thực hiện tốt hơn chức trách, nhiệm vụ được giao. Từ đó, nhiều ý kiến, kiến nghị sau giám sát được các cơ quan chức năng tiếp thu và phản hồi, góp phần tạo thêm niềm tin của dân đối với Đảng, Nhà nước.  

Phản biện xã hội

Cùng với chương trình giám sát thì phản biện xã hội được cho là một hoạt động khó, đòi hỏi trình độ cao. Nhưng với sự nỗ lực của Ban Thường trực và lãnh đạo của các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương, hoạt động phản biện đã đi vào nề nếp, tổ chức phản biện vào các chương trình, dự án có tác động trực tiếp đến quyền và lợi ích của nhân dân tại địa phương.

Huyện Hàm Thuận Bắc được đánh giá là điển hình tổ chức tốt công tác phản biện xã hội theo Quyết định 217 của Bộ Chính trị trong thời gian qua. Ông Nguyễn Thành Tuyên – Phó Chủ tịch UBMTTQVN huyện Hàm Thuận Bắc cho biết: “Hàng năm, UBMTTQVN huyện đều nhận được sự đề nghị của Huyện ủy tổ chức phản biện một số dự thảo chương trình, đề án có liên quan trực tiếp đến nhân dân. Đây là nội dung đòi hỏi có thời gian để nghiên cứu kỹ và sự tham gia của các tổ chức thành viên củamặt trận (mặt trận đơn vị chủ trì). Đến nay, Mặt trận huyện đã phản biện 2 cuộc gồm 4 văn bản của Huyện ủy và UBND huyện. Nhìn chung, sau ý kiến phản biện của UBMTTQVN huyện và các tổ chức thành viên, Huyện ủy và UBND huyện đã nghiêm túc tiếp thu những vấn đề phù hợp, giải trình những vấn đề cụ thể”.  Đến nay, toàn tỉnh có 4/10 UBMTTQVN cấp huyện tổ chức được hội nghị phản biện gồm Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Tuy Phong, Hàm Tân. Ngoài ra, UBMTTQVN cấp huyện và xã đã tích cực tập trung góp ý vào dự thảo các văn kiện trình đại hội Đảng bộ cấp mình, đồng thời góp ý Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng. Bên cạnh đó, UBMTTQVN các cấp trong tỉnh đã góp ý một số văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND cùng cấp ban hành liên quan đến các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Riêng Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh tham gia phản biện dự thảo các văn bản khi được cấp ủy, HĐND, UBND tỉnh yêu cầu.

Qua hoạt động phản biện xã hội, đã phát hiện những nội dung còn thiếu, chưa sát, chưa phù hợp trong các văn bản dự thảo. Từ đó, kiến nghị những nội dung thiết thực, góp phần bảo đảm tính đúng đắn, phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội và tính hiệu quả trong việc hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội.  

Thanh ThỦy



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân với Đảng