Theo dõi trên

Cần làm rõ địa chỉ chịu trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ

28/10/2018, 09:55 - Lượt đọc: 21

BTO- Đó là ý kiến của bà Nguyễn Thị Phúc¸ Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận trong phiên thảo luận của Quốc hội về kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019

Năm 2018 và 3 năm 2016 - 2018, mặc dù nền kinh tế nước ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ những diễn biến phức tạp và xung đột của khu vực và thế giới, những thiệt hại của thiên tai, dịch bệnh trong nước; nhưng với sự nổ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ có chuyển biến tích cực và đúng hướng. Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, tốc độ tăng GDP đạt khá cao 6,98% (là năm có mức tăng GDP 9 tháng cao nhất kể từ năm 2011 trở về đây)... Đạt kết quả trên, đại biểu Nguyễn Thị Phúc cho rằng: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn sâu sát, lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, bám sát mục tiêu kinh tế vĩ mô, áp dụng nhiều giải pháp mang lại hiệu quả trên các lĩnh vực với phương châm: "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo và hiệu quả"; Chính phủ đã có nhiều nỗ lực tập trung thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và những bức xúc trong đời sống của nhân dân.

Tuy nhiên, để đánh giá cho đúng thực trạng và có giải pháp phù hợp cho giai đoạn tiếp theo, bà Phúc đề nghị Chính phủ cần bổ sung làm rõ địa chỉ về trách nhiệm của bộ, ngành nào, địa phương nào… trong tổ chức thực hiện; ai chịu trách nhiêm và cần làm rõ nguyên nhân, giải pháp khắc phục.

Ngoài 9 nhóm giải pháp mà Chính phủ đã nêu trong báo cáo trình Quốc hội, để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý điều hành thực hiện mục tiêu nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2019 và từ nay đến 2020, theo bà Phúc vẫn còn một số vấn đề mà Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm hơn.

Trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản đã có sự chuyển biến tích cực, đúng hướng theo ngành, vùng sản xuất với 3 trục sản phẩm gắn với tiềm năng, lợi thế mỗi vùng, mỗi địa phương và xây dựng nông thôn mới. Mặc dù trong thực tế, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp từng bước có được nâng lên nhưng chưa đáp ứng yêu cầu, thị trường tiêu thụ nông sản thiếu ổn định, chưa kết nối hiệu quả, thông suốt từ khâu sản xuất đến tiêu thụ nên tình trạng được mùa mất giá năm nào cũng xảy ra nhưng vẫn chưa có giải pháp căn cơ, hiệu quả giúp nông dân tháo gỡ khó khăn này (như nông sản Miền Tây với tôm, chuối, mía và thanh long Bình Thuận rớt gía thảm hại thời gian qua, gây điêu đứng cho người nông dân). Trong khi đó nhiệm vụ và các giải pháp liên quan lĩnh vực nông, lâm, thủy sản mà Chính phủ đề ra năm 2019 là chưa đủ mạnh, chưa căn cơ và hiệu quả. Vì vậy, bà Phúc đề nghị Chính phủ cần bổ sung giải pháp: Đẩy mạnh việc phát triển kết nối 5 nhà (nhà nông - nhà doanh nghiệp - nhà nước - nhà khoa học và ngân hàng); Tăng cường thúc đẩy phát triển HTX nông nghiệp kiểu mới, đặc biệt là nâng cao vai trò và chất lượng hoạt động của các hợp tác xã trong chuỗi liên kết, bảo đảm đầu ra cho nông sản; có giải pháp để mở rộng thị trường trong nước và nước ngoài đối với các SP nông nghiệp, tận dụng ưu thế, tạo đà phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Tiếp tục triển khai và đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 13 của BCH TW Đảng. Tính đến năm 2018 nhiều công trình hạ tầng mang tính kết nối đồng bộ được hoàn thành, khai thác và đưa vào sử dụng, tiếp tục đầu tư xây dựng, nâng cấp hạ tầng thủy lợi, theo hướng đa mục tiêu, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, thúc đẩy phát triển nông nghiệp... Từ đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển các hoạt động kinh tế, tăng cường liên kết vùng. Đây là điều đáng mừng, đặc biệt là đối với các tỉnh khô hạn, khó khăn về nước như tỉnh Bình Thuận. Tuy nhiên, trong thực tế, Bình Thuận là tỉnh đang khó khăn về nước sản xuất, hệ thống thủy lợi chưa đáp ứng yêu cầu. Vì vậy, đề nghị Chính phủ sớm đầu tư Hồ La Ngà 3 để phục vụ tưới nước sản xuất các huyện phía nam tỉnh và một phần diện tích đất sản xuất của tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Đồng thời, Chính phủ cần tiếp tục quan tâm, thực hiện có hiệu quả việc chăm lo đời sống các gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng, những người già yếu, người có thu nhập thấp. Thực tế, thời gian qua đời sống của người dân tiếp tục được cải thiện, việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng được đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, trong thực tế một số chế độ chính sách dành cho người có công cách mạng, cán bộ hưu trí, người cao tuổi đã bộc lộ rõ những bất cập, có tình trạng cào bằng trong quá trình thực hiện, cử tri đã kiến nghị nhiều lần nhưng chậm được điều chính bổ sung cho phù hợp. Nhiều người già, hoàn cảnh khó khăn nhưng nếu có lương hưu thì không được hưởng trợ cấp tuổi già, mặc dù với mức lương đó không đủ trang trải cho cuộc sống và thuốc thang bệnh tật. Trong khi nhiều người già khác có hoàn cảnh khá giả, con cháu có điều kiện chăm sóc chu đáo không cần trợ cấp tuổi già thì lại được hưởng. chế độ tiền lương của cán bộ hưu trí tham gia kháng chiến và nghỉ hưu trước năm 1990 là rất thấp; sau mỗi lần điều chỉnh lương cơ sở, với cùng một mức lương khi nghỉ hưu nhưng khoảng cách chênh lệnh giữa những người nghỉ hưu trước và nghĩ hưu sau càng ngày càng có sự chênh lệch lớn. Theo bà Phúc, đã là chính sách phải mang ý nghĩa thiết thực và phải công bằng, nếu không công bằng sẽ đẫn đến sự bức xúc trong nhân dân, và đây là bức xúc thực sự cử tri đã kiến nghị nhiều năm, nhiều lần vẫn chưa được quan tâm giải quyết. Do vậy, Chỉnh phủ sớm có chỉ đạo, xem xét điều chỉnh chế độ hỗ trợ cho người cao tuổi, chính sách tù đày, chế độ tiền lương và việc điều chỉnh lương hưu cho cán bộ hưu trí cho phù hợp, đảm bảo sự công bằng và mang ý nghĩa thiết thực, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với các đối tượng này.

 Khắc Điều



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần làm rõ địa chỉ chịu trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ