Theo dõi trên

Bình Thuận chú trọng chăm lo an sinh xã hội

18/01/2021, 09:03 - Lượt đọc: 276

BT- Công tác an sinh xã hội (ASXH) luôn được Đảng ta đặc biệt chú trọng. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng khẳng định: Bảo đảm ASXH là một trong các nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ mới; tiếp tục hoàn thiện chính sách ASXH phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội; mở rộng đối tượng và nâng cao hiệu quả của hệ thống ASXH tới mọi người dân, hướng tới mục tiêu thực hiện ASXH toàn dân; khuyến khích nâng cao khả năng tự bảo đảm ASXH của mỗi người dân.

Thực hiện đúng đường lối, chủ trương của Đảng, trong những năm qua, các cấp ủy Đảng và chính quyền tỉnh Bình Thuận đã luôn quan tâm, chú trọng công tác ASXH. Riêng năm 2020, đời sống, kinh tế - xã hội của địa phương bị ảnh hưởng khá nặng bởi đại dịch Covid-19… Do vậy, Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã chú trọng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo cả hệ thống chính trị tập trung chăm lo ASXH cho nhân dân tỉnh nhà.

Trong năm 2020, các chính sách ASXH được triển khai nghiêm túc, kịp thời; chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, công tác chăm sóc người cao tuổi, trợ giúp người khuyết tật, người tâm thần và công tác chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được quan tâm nhiều hơn. Phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa” được duy trì thường xuyên. Các dự án, chính sách hỗ trợ giảm nghèo tiếp tục được triển khai có hiệu quả. Tỉnh đã có nhiều biện pháp hỗ trợ cho người nghèo phát triển sản xuất như hỗ trợ vốn và các chương trình lồng ghép khác của dự án xóa đói giảm nghèo và sự nỗ lực vươn lên từ các hộ nghèo, đến nay số hộ nghèo đã giảm đáng kể. Cuối năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo còn 1,32% (giảm 0,6% so năm 2019). GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 66,2 triệu đồng/người/năm, tương đương 2.865 USD, tăng 123 USD so năm 2019; năng suất lao động tiếp tục có sự cải thiện đáng kể, ước năm 2020 đạt 116,1 triệu đồng/người/ năm, tăng 5,2% so năm 2019.

Năm 2020, các chính sách ASXH được bảo đảm, chi trả kịp thời, đúng chế độ, chính sách, quy định của Nhà nước. Số người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) 1.007.428 người, tăng 2,5% so năm 2019. Tỷ lệ bao phủ BHYT chung toàn tỉnh đạt 87% dân số. Đến nay đã có gần 30.000 đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội đang hưởng các loại trợ cấp xã hội và hàng trăm đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội.

87% dân số của tỉnh được khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế

Đặc biệt, năm 2020 Bình Thuận đã tập trung triển khai kịp thời Nghị quyết (NQ) số 42 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid -19 và Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Tính đến cuối tháng 11/2020, tỉnh đã hỗ trợ cho 115.234 đối tượng theo NQ 42, với số tiền 117,7 tỷ đồng. Riêng hỗ trợ nhóm đối tượng là người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; lao động không có giao kết hợp đồng, lao động bị mất việc làm… là 27.403 đối tượng được thụ hưởng với số tiền 28 tỷ đồng ở các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác chăm lo an sinh xã hội, chúng ta vẫn còn những mặt hạn chế nhất định. Đó là, đời sống một bộ phận gia đình chính sách và một bộ phận nhân dân còn khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số, vùng căn cứ kháng chiến, vùng bãi ngang ven biển; giảm nghèo, thoát nghèo chưa bền vững, khả năng tái nghèo ở một số địa bàn còn cao.

Vì vậy, trong năm 2021 do diễn biến của đại dịch Covid-19 còn phức tạp, nên Đảng bộ, chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh cần nỗ lực thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, thực hiện đầy đủ kịp thời các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng, người nghèo, hộ nghèo, cận nghèo. Không để bất cứ hộ gia đình chính sách nào có mức sống dưới mức trung bình của cư dân cùng địa bàn. Bằng các biện pháp tích cực và hữu hiệu, tiếp tục giảm nghèo một cách bền vững trên cơ sở tiếp tục lồng ghép, thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia bằng nguồn vốn ngân sách, vốn viện trợ quốc tế và hỗ trợ của các doanh nghiệp gắn với phong trào của quần chúng nhân dân.

Tiếp tục huy động nguồn lực, ưu tiên ngân sách địa phương để thực hiện đầy đủ và kịp thời các chính sách hỗ trợ cho các nhóm đối tượng yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường xã hội hóa, tiếp tục huy động nguồn lực trong nhân dân, khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp tham gia tích cực vào công tác ASXH.

Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách đối với người có công và bảo đảm ASXH; nâng cao hiệu quả công tác quản lý, ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn việc tổ chức thực hiện chính sách. Chú trọng phổ biến giới thiệu các mô hình quản lý, các mô hình cung cấp dịch vụ hiệu quả, các mô hình giảm nghèo và ASXH... khuyến khích các đối tượng yếu thế tự vươn lên bảo đảm an sinh, khắc phục tính ỷ lại vào sự trợ giúp của Nhà nước.  

         Huỳnh Thanh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bình Thuận chú trọng chăm lo an sinh xã hội