Theo dõi trên

50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nhớ “Lời Bác dặn trước lúc đi xa”!

02/09/2019, 09:16 - Lượt đọc: 42

 BT- Năm 2019 này, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trước lúc ra đi, Người để lại Di chúc thiêng liêng, kết tinh trong đó những điều cốt lõi về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Di chúc không chỉ là trách nhiệm, mà còn là tình cảm thiêng liêng, sự trân quý của mỗi đảng viên, cán bộ và nhân dân ta đối với Bác Hồ kính yêu trong sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay.

                
Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh    tư liệu.

 Trong Di chúc, điều đầu tiên nói về Đảng, Bác căn dặn: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của nhân dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Bác không phải chỉ căn dặn toàn Đảng giữ gìn sự đoàn kết, Bác cũng chỉ rõ cách thức, phương pháp để thực hiện đoàn kết trong Đảng, Bác nói nguyên lý đoàn kết: Không thực hiện dân chủ thì không đoàn kết được, nhất là dân chủ trong Đảng. Vấn đề mất đoàn kết luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh giải quyết một cách bao dung, nhẹ nhàng mà thấm thía. Đây vẫn sẽ là một bài học quý báu trong xử lý vấn đề mất đoàn kết trong Đảng đang diễn ra ở một số nơi hiện nay.

Ôn lại từng câu, từng dòng, ta càng thấy, trước lúc đi xa, Người căn dặn tỉ mỉ không sót một việc nào. Đó là đối với phong trào cộng sản thế giới, Bác nhấn mạnh: “Là một người suốt đời phục vụ cách mạng, tôi càng tự hào với sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế bao nhiêu, thì tôi càng đau lòng bấy nhiêu vì sự bất hòa hiện nay giữa các đảng anh em! Tôi mong rằng Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình. Tôi tin chắc rằng các đảng anh em và các nước anh em nhất định sẽ phải đoàn kết lại”.

Với đoàn viên thanh niên, Bác nêu rõ: “Đoàn viên thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên””.

Đối với nhân dân lao động, Người chỉ rằng: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.

Bác dặn những công việc cần làm sau khi kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi và cuối cùng là về việc riêng. Ðây là những dòng viết cảm động nhất trong Di chúc, thể hiện tấm gương đạo đức mẫu mực của một người suốt đời “hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này... không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Mỗi câu, mỗi chữ ở đây đều toát lên phẩm chất, nhân cách của một con người vĩ đại mà khiêm nhường hết mực.

Di chúc Bác như lời nước non kêu gọi mọi người hãy sát cánh bên nhau dưới sự lãnh đạo của Đảng, quyết tâm đánh thắng Mỹ hoàn toàn. Sức mạnh của cả dân tộc đã được huy động cao độ vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Chúng ta đã đánh bại kẻ thù xâm lược và tay sai cả về quân sự, chính trị và ngoại giao. Với thắng lợi rực rỡ mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân của nước ta đã thành công, chấm dứt vĩnh viễn ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc trên đất nước ta, làm cho Tổ quốc độc lập, thống nhất và tạo điều kiện từng bước tiến lên theo con đường chủ nghĩa xã hội.

Trong bản Di chúc của mình, Bác thường nhắc đến nhi đồng, mở đầu Bác viết: “Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ anh hùng; thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta”. Lời vĩnh biệt cuối cùng là “muôn vàn tình thân yêu” của Bác dành cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thiếu niên và nhi đồng.

 Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh phản ánh sâu sắc phong cách sống, sinh hoạt hết sức bình dị nhưng vô cùng cao quý, trọn đời vì nước, vì dân, không màng danh lợi, ngay cả phút lâm chung từ giã cõi đời này, Người cũng không làm phiền đến dân, đến nước. Người đã ra đi rất nhẹ nhàng và thanh thản, không có điều gì ân hận. Người chỉ tiếc là tiếc rằng “không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Đây là sự kết đọng sâu sắc cả về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, một con người suốt đời chỉ biết hy sinh và dâng hiến cho dân tộc, cho nhân dân “Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi”. Ngay cả đến giây phút cuối cùng, Người vẫn còn lo cho nhân dân, không để làm phiền đến dân: “Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thời giờ và tiền bạc của nhân dân”.

Bác kết thúc Di chúc của mình: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới” - đấy chính là chỉ thị cuối cùng, ước vọng tối cao của Bác trước lúc đi xa.

Đã nửa thế kỷ đi qua kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh viết những dòng cuối cùng trong bản Di chúc, thời gian không ngừng trôi với biết bao sự biến đổi và phát triển của đất nước, dân tộc và quốc tế, song những chỉ dẫn của Người trong Di chúc vẫn mãi còn in đậm trong trái tim, khối óc của mọi người dân Việt Nam, nhất là cán bộ, đảng viên. Thực hiện Di chúc không chỉ là trách nhiệm, mà còn là tình cảm thiêng liêng, sự trân quý của mỗi đảng viên, cán bộ và nhân dân đối với Bác Hồ kính yêu trong sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay.

Huỳnh Lê



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nhớ “Lời Bác dặn trước lúc đi xa”!