Theo dõi trên

Chủ động phối hợp bảo đảm an toàn bầu cử

15/04/2016, 17:07

BTO - Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 dự kiến tiến hành vào ngày 22/5. Đây là sự kiện chính trị quan trọng diễn ra trong thời điểm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng vừa kết thúc; toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tiếp tục thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Hiến pháp năm 2013 và các luật về tổ chức bộ máy nhà nước.

Chỉ thị 51 ngày 4/1/2016 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 đã chỉ rõ: Trong bối cảnh quốc tế và khu vực có những thuận lợi và khó khăn đan xen; các thế lực thù địch chưa từ bỏ âm mưu, hoạt động chống phá chế độ, cản trở sự nghiệp đổi mới của nhân dân ta. Do vậy cần chỉ đạo chặt chẽ việc xây dựng các phương án bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội; giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các khiếu nại, tố cáo của công dân; ngăn chặn mọi hành vi lợi dụng dân chủ, vi phạm pháp luật về bầu cử. Kiên quyết đấu tranh chống mọi luận điệu xuyên tạc, âm mưu, hoạt động phá hoại cuộc bầu cử, lợi dụng bầu cử để gây rối an ninh, trật tự. Có các phương án chủ động đối phó với những tình huống thiên tai có thể xảy ra trong thời gian tiến hành bầu cử.

 Tại Bình Thuận, bên cạnh những thuận lợi dự báo tình hình chính trị, trật tự xã hội liên quan đến cuộc bầu cử trong thời gian tới sẽ có những diễn biến phức tạp hơn. Đó là tình hình chính trị thế giới diễn biến phức tạp, nhất là tình hình an ninh trên biển Đông; âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động sẽ tăng cường. Đáng chú ý đã xuất hiện một số “điểm nóng” về an ninh, trật tự liên quan đến việc khiếu kiện đông người, đình công, lãn công chưa được giải quyết triệt để, không loại trừ các đối tượng bên ngoài tác động, hỗ trợ. Mặt khác, tình hình hạn hán còn kéo dài, diễn biến hết sức phức tạp gây nhiều thiệt hại về sản xuất, đời sống nhân dân, tác động lớn đến an ninh kinh tế, an ninh nông thôn và an nin chính trị, trật tự an toàn xã hội làm ảnh hưởng đến cuộc bầu cử. 

Để bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trước, trong và sau bầu cử trên địa bàn toàn tỉnh theo các yêu cầu Chỉ thị của 51 của Bộ Chính trị, trước hết cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền về cuộc bầu cử trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể. Nội dung tuyên truyền cần tập trung làm rõ những âm mưu, thủ đoạn nguy hiểm của các thế lực thù địch để mọi người nhận diện, cảnh giác, tẩy chay, vạch trần những luận điệu xuyên tạc, phản động.

Cùng với công tác tuyên truyền, các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị khẩn trương xem xét kết luận các vụ việc khiếu nại, tố cáo của cán bộ, nhân dân liên quan đến nhân sự bầu cử, nhất là tại các khu công nghiệp tập trung, các khu dân cư, vùng đồng bào dân tộc thiểu số… không để sơ hở, thiếu sót để các thế lực thù địch lợi dụng, xuyên tạc làm ảnh hưởng đến cuộc bầu cử. Cần có sự phối hợp tốt giữa cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và Ủy ban bầu cử các cấp trong công tác bảo vệ chính trị nội bộ, chuẩn bị tốt nhân sự phục vụ cuộc bầu cử. Tổ chức quán triệt, tập huấn cho những người làm công tác bầu cử thực hiện theo đúng các quy trình, quy định về bầu cử. 

Các lực lượng chức năng như Công an, Quân sự, Biên phòng cần chủ động phối hợp chặt chẽ trong việc nắm tình hình, kịp thời phát hiện âm mưu, hoạt động chống phá cuộc bầu cử của các thế lực thù địch, phản động, nhất là âm mưu hoạt động liên kết giữa các đối tượng cực đoan trong và ngoài tỉnh để vận động, kích động, phá hoại cuộc bầu cử, gây rối trật tự công cộng, phát tán tờ rơi, khẩu hiệu phản động phá hoại cuộc bầu cử. Phối hợp chặt chẽ các lực lượng triển khai các phương án bảo đảm an toàn tại các điểm bầu cử; kịp thời ngăn chặn các đối tượng phát tán tờ rơi, khẩu hiệu phản động, xuyên tạc, kích động lôi kéo quần chúng. Thường xuyên theo dõi, có biện pháp răn đe vô hiệu hóa hoạt động của các đối tượng trọng điểm, các đối tượng có liên quan đến các vụ khiếu kiện đông người để đề phòng xảy ra các hành vi chống đối, vi phạm pháp luật, phá hoại cuộc bầu cử.

Thế Nam



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chủ động phối hợp bảo đảm an toàn bầu cử