Theo dõi trên

Xử lý hình sự hành vi trốn đóng BHXH, BHYT

17/05/2018, 09:49 - Lượt đọc: 42

BT- Bộ luật Hình sự (sửa đổi) quy định tội trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2018. Việc xử lý hình sự các doanh nghiệp, đối tượng cố tình chây ì, trốn đóng BHXH, BHYT cho người lao động sẽ là biện pháp mạnh để xử lý dứt điểm tình trạng đã kéo dài nhiều năm qua ảnh hưởng đến quyền lợi của hàng trăm nghìn người lao động. Doanh nghiệp trốn đóng BHXH, BHYT thiệt hại nhiều nhất chính là người lao động, về lâu dài sẽ gây ra bất ổn lớn, ảnh hưởng tới an sinh xã hội. Để hạn chế tối đa hành vi trốn đóng và nợ đọng BHXH, BHYT của các doanh nghiệp, thời gian tới người sử dụng lao động trốn đóng BHXH, BHYT có thể bị xử lý hình sự.

Điều 216 Bộ luật Hình sự (sửa đổi) quy định người nào có nghĩa vụ đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc đóng không đầy đủ theo quy định từ 6 tháng trở lên, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này; nếu còn vi phạm, phạm tội thì bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc bị phạt tù từ 2 - 7 năm. Các hành vi vi phạm, phạm tội được nêu làm căn cứ áp dụng chế tài trên gồm: Trốn đóng bảo hiểm 1 tỷ đồng trở lên; trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên… Ngoài ra, Điều 216 còn quy định: Phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm với các hành vi sau: Trốn đóng bảo hiểm từ 50 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng; trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 người đến dưới 50 người lao động.

Trên thực tế một số doanh nghiệp cố tình trốn tránh trách nhiệm khai trình lao động và tham gia BHXH, BHYT cho người lao động; do hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn nên nhiều doanh nghiệp phải giải thể, phá sản hoặc tạm ngừng hoạt động. Đáng chú ý tỉ lệ nợ BHXH, BHYT vẫn còn cao ở các doanh nghiệp, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động. Đặc biệt, nợ BHXH, BHYT từ các doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, giải thể, phá sản hoặc chủ bỏ trốn, không thể thu hồi và quyền lợi của người lao động ở các doanh nghiệp này cũng bị “treo” chưa được giải quyết. Điều đáng lo, công tác khởi kiện các doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT của tổ chức công đoàn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do bất cập của pháp luật.

Được biết, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đã kiến nghị Tòa án nhân dân tối cao sớm hướng dẫn các cấp Tòa án về giải quyết các vụ kiện liên quan đến BHXH; các cơ quan có liên quan sớm nghiên cứu giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện quy định khởi kiện đòi nợ BHXH. Các kiến nghị này nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong công tác khởi kiện các doanh nghiệp chây ì, trốn đóng BHXH hiện nay. Bên cạnh đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị: Chính phủ, cơ quan BHXH cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử phạt nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH; quan tâm hướng dẫn và giải quyết kịp thời những vấn đề bất cập, phát sinh từ thực tiễn triển khai thi hành Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Việc làm, Luật An toàn, vệ sinh lao động... để doanh nghiệp và người lao động yên tâm, tích cực tham gia BHXH, BHYT, BHTN.

Trong bối cảnh các doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng BHXH, BHYT đang ngày càng phức tạp. Khi luật có hiệu lực, cơ quan BHXH đã và đang làm công tác tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Bộ luật Hình sự liên quan đến việc nợ, trốn đóng BHXH, BHYT cho các doanh nghiệp để họ nắm bắt được, sớm khắc phục. Trường hợp các đơn vị vẫn cố tình chây ì, có dấu hiệu phạm tội, cơ quan BHXH sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan cảnh sát điều tra để hình sự hóa tội danh này.

P.Danh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xử lý hình sự hành vi trốn đóng BHXH, BHYT