Theo dõi trên

Vì sao chưa kìm chế được vượt quỹ BHYT?

19/04/2018, 15:17

BT- Tình trạng vượt quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) những năm gần đây có chiều hướng ngày càng gia tăng và lo ngại vỡ quỹ. Nếu như năm 2016 vượt quỹ 117,451 tỷ đồng thì năm 2017 tăng lên 217,853 tỷ đồng. Báo Bình Thuận đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Minh Thông, Phó Giám đốc BHXH tỉnh về nguyên nhân vượt quỹ khám chữa bệnh BHYT và vì sao chưa kìm chế được tình trạng vượt quỹ.

Bệnh viện An Phước đầu tư thiết bị xét nghiệm hiện đại.

 Thưa ông, tình trạng vượt quỹ khám chữa bệnh BHYT của các cơ sở y tế đáng lo ngại. Vậy nguyên nhân do đâu?

Ông Đặng Minh Thông: Hàng năm cơ quan BHXH tỉnh ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT với 21 cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh (kể cả cơ sở y tế tư nhân). Từ đó, triển khai đến 12 phòng khám đa khoa khu vực và 98 trạm y tế xã, phường, thị trấn.

Từ ngày 1/1/2016, chính sách thông tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh và khám, chữa bệnh trái tuyến tại tuyến huyện trên toàn quốc được hưởng 100% chi phí đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người tham gia BHYT trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế. Tuy nhiên, chính sách thông tuyến huyện và tăng giá dịch vụ y tế khoảng 23% (từ tháng 4/2017 giá dịch vụ y tế tính cả chi phí tiền lương, phụ cấp theo lương). Trong lúc đó mệnh giá thẻ BHYT chưa được điều chỉnh. Do đó, nguồn quỹ hình thành không đủ đáp ứng chi khám, chữa bệnh BHYT. Mặt khác, chi phí khám, chữa bệnh tuyến trên ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi phí khám, chữa bệnh như: Năm 2016 đa tuyến đi chỉ chiếm 4,1% số lượt khám chữa bệnh, nhưng chi phí chiếm 30% tổng chi; năm 2017 đa tuyến đi chiếm 5,7% số lượt khám chữa bệnh, nhưng chi phí khám chữa bệnh chiếm 31% tổng chi toàn tỉnh.

Theo ông, ngoài nguyên nhân nói trên còn yếu tố nào ảnh hưởng đến nguồn quỹ khám chữa bệnh BHYT?

Ông Đặng Minh Thông: Trước hết là trách nhiệm quản lý và sử dụng quỹ khám chữa bệnh BHYT của người đứng đầu cơ sở y tế chưa cao; tình trạng chỉ định rộng rãi các dịch vụ kỹ thuật y tế, dịch vụ cận lâm sàng không liên quan đến bệnh lý còn nhiều; bệnh nhân vào khám bệnh bác sĩ thường chỉ định nhiều tiêu chí xét nghiệm mang tính tầm soát; tỷ lệ chỉ định dịch vụ hình ảnh cao như: CT Scaner, X-Quang kỹ thuật số, siêu âm màu, siêu âm tim, sử dụng thuốc có giá thành cao, số lượng nhiều… dẫn đến tình trạng sử dụng không hiệu quả, gây vượt quỹ, bội chi quỹ khám, chữa bệnh BHYT. Bên cạnh đó, chất lượng khám, chữa bệnh của một số cơ sở y tế tuy có nâng lên, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu của người dân; trang thiết bị phục vụ khám, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh hạn chế, nhất là tuyến y tế xã…Vì vậy, mà người có thẻ BHYT muốn chuyển lên tuyến trên để khám, chữa bệnh.

Ông nói rõ hơn số cơ sở khám chữa bệnh vượt quỹ cao?

Ông Đặng Minh Thông: Hầu hết các cơ sở y tế ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT đều vượt trần, vượt quỹ. Tỷ lệ vượt quỹ khám chữa bệnh BHYT hàng năm có xu hướng tăng cao, nhất là trong hai năm gần đây. Trong đó, có cơ sở khám chữa bệnh tỷ lệ sử dụng quỹ cao gấp nhiều lần so với nguồn quỹ hình thành như: Năm 2017, Bệnh viện đa khoa tỉnh sử dụng quỹ bằng 374,9% quỹ hình thành; Bệnh viện đa khoa khu vực Nam Bình Thuận 194,9%; Bệnh viện đa khoa khu vực La Gi 210%; Ban Bảo vệ sức khỏe cán bộ 1.196%; Bệnh viện Y học cổ truyền – Phục hồi chức năng 756,3%; Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Bình Thuận 190%.

Để kéo giản tình trạng vượt quỹ thì biện pháp khắc phục nào hiệu quả, thưa ông?

Ông Đặng Minh Thông: Trước hết các cấp, các ngành cần đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến sâu rộng chính sách pháp luật về BHYT; làm cho người dân hiểu rõ ý nghĩa, quyền lợi, trách nhiệm của người dân khi tham gia BHYT nhằm khuyến khích, vận động đông đảo nhân dân tham gia BHYT; biểu dương những cá nhân, đơn vị làm tốt, đồng thời xử lý nghiêm đối với hành vi gian lận, trục lợi quỹ BHYT. Đặc biệt là ngành y tế cần triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế; nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, đầu tư trang thiết bị y tế để đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh, hạn chế tình trạng chuyển bệnh nhân lên tuyến trên để góp phần cân đối quỹ BHYT tại tỉnh. Các cơ sở y tế thực hiện nghiêm các quy định, hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế trong xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng, sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, hiệu quả… vì quyền lợi chính đáng của người bệnh. Kịp thời phát hiện, xử lý các biểu hiện lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT. Mặt khác, cơ quan BHXH phối hợp với các ngành liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện quy chế chuyên môn sử dụng và quản lý quỹ BHYT tại các cơ sở khám chữa bệnh; kiểm tra chặt chẽ việc thanh toán dịch vụ kỹ thuật, nhất là dịch vụ từ nguồn xã hội hóa đang sử dụng tại cơ sở y tế… Bên cạnh đó cũng cần thực hiện nghiêm công tác đấu thầu thuốc, vật tư y tế theo đúng quy định để bảo đảm an toàn, hiệu quả.

Xin cảm ơn ông!

Lê Thanh (thực hiện)



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao chưa kìm chế được vượt quỹ BHYT?