Theo dõi trên

Quyền lợi khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

29/11/2018, 09:08

BT- Khác với nhiều loại hình bảo hiểm thương mại (như bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ…) với mục đích là sinh lời, thì bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện là chính sách an sinh xã hội mang tính nhân văn sâu sắc; là loại hình bảo hiểm phi lợi nhuận. Người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng và được hưởng rất nhiều quyền lợi. Mức đóng hàng tháng thấp hơn một số loại bảo hiểm thương mại.

Người lao động không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, được tham gia BHXH tự nguyện.

Theo quy định, người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được hưởng chế độ hưu trí khi đủ điều kiện, tức sẽ được hưởng lương hưu khi tới tuổi nghỉ hưu (nữ đủ 55 tuổi, nam đủ 60 tuổi). Hoặc khi đủ điều kiện, nếu người tham gia BHXH tự nguyện có nhu cầu có thể hưởng trợ cấp 1 lần. Trường hợp người tham gia BHXH tự nguyện chết, người thân sẽ được hưởng trợ cấp tuất một lần hoặc hàng tháng (do người thân lựa chọn). Theo đó, có con chưa đủ 18 tuổi (hưởng tới khi đủ 18 tuổi); hoặc con từ đủ 18 tuổi nhưng suy giảm khả năng lao động (mất sức lao động) từ 81% trở lên; hoặc con được sinh khi người bố chết lúc mẹ đang mang thai. Trường hợp người tham gia BHXH tự nguyện chết nhưng có vợ hoặc chồng tới tuổi nghỉ hưu (nữ đủ 55 tuổi, nam đủ 60 tuổi); hoặc chưa đủ tuổi nghỉ hưu nhưng bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên cũng được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng.

Ngoài ra, bố mẹ chồng hoặc vợ (hoặc người nuôi dưỡng) đã đủ tuổi nghỉ hưu, hoặc chưa đủ tuổi nghỉ hưu nhưng mất sức lao động từ 81% trở lên cũng được hưởng trợ cấp tuất. Thân nhân của người chết không có thu nhập hoặc có thu nhập hàng tháng nhưng thấp hơn mức lương cơ sở cũng được hưởng trợ cấp tuất. Ngoài ra, người chết được hỗ trợ mai táng phí bằng 10 lần mức lương cơ sở. Đặc biệt, từ ngày 1/1/2018, người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được nhà nước hỗ trợ mức đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn. Cụ thể, nhà nước hỗ trợ 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo; hỗ trợ 25% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo; hỗ trợ 10% đối với các trường hợp khác. Nếu người tham gia lựa chọn mức thu nhập tháng thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn (hiện nay là 700.000 đồng) để tham gia, thì số tiền thực đóng BHXH tương ứng là: Người thuộc hộ gia đình nghèo đóng 107.800 đồng/tháng; người thuộc hộ cận nghèo đóng 115.500 đồng/tháng; đối tượng khác đóng 138.600 đồng/tháng.

 Người từ 15 tuổi trở lên và không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc đều có thể tham gia BHXH tự nguyện. Mức đóng hàng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia tự chọn. Tuy nhiên, mức thu nhập tháng không thấp hơn mức chuẩn hộ nghèo nông thôn (tối thiểu thu nhập 700 nghìn đồng/tháng). Mức đóng có thể thay đổi theo lựa chọn của người tham gia. Người tham gia BHXH tự nguyện có thể đóng 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng, hoặc đóng 1 lần cho nhiều năm về sau (nhưng 1 lần không quá 5 năm). Nếu đóng 1 lần cho nhiều năm, nếu sau đó thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, hưởng BHXH 1 lần, hoặc chết sẽ được hoàn trả số tiền đã đóng. Chị Ngô Thị Thu Thủy, ở xã Hàm Chính (Hàm Thuận Bắc) sau khi được nhân viên cơ quan BHXH tư vấn, chị Thủy đã quyết định tham gia BHXH tự nguyện với mức đóng gần 2 triệu đồng mỗi tháng. Chị Thủy cho biết: “Tôi nghĩ trong cuộc sống mỗi người cần chuẩn bị cho mình một nguồn thu nhập cần thiết đủ để trang trải cuộc sống. Tôi rất yên tâm khi chỉ vài năm nữa đóng đủ số năm BHXH tự nguyện, tôi sẽ có lương hưu như cán bộ nhà nước, đảm bảo cuộc sống khi không còn sức lao động nữa”.

Ngoài ra, người tham gia BHXH đủ điều kiện nghỉ hưu (tới tuổi hưu), nhưng số năm đóng bảo hiểm chưa đủ 20 năm để hưởng lương hưu, sẽ được đóng bổ sung 1 lần cho những năm còn thiếu để được hưởng lương hưu. Với điều kiện, số năm đóng còn thiếu không quá 10 năm. Nếu số năm còn thiếu quá 10 năm, nhưng đã đủ điều kiện hưởng lương hưu, có thể đóng tiếp BHXH tự nguyện cho phần thời gian vượt quá 10 năm. Sau đó, khi chỉ còn thiếu 10 năm, sẽ đóng BHXH 1 lần để được hưởng lương hưu. Nếu chậm đóng phí, người tham gia BHXH sẽ được xem là tạm dừng đóng. Nếu sau đó tiếp tục đóng lại, người tham gia chỉ cần đăng ký với cơ quan BHXH.

Minh Thông



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quyền lợi khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện