Lúng túng khi lao động người nướ
Lúng túng khi lao động người nước ngoài đóng bảo hiểm xã hội
BT- Từ tháng 12/2018, Nghị định 143
của Chính phủ có hiệu lực thi hành, lao động người nước ngoài bắt đầu đóng bảo
hiểm xã hội (BHXH) tại Việt Nam với 3 chế độ ngắn hạn là ốm đau, thai sản và bảo
hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp. Tại Bình Thuận các địa phương đã phối
hợp với cơ quan BHXH rà soát lại số lao động người nước ngoài và yêu cầu tham
gia. Đến hết tháng 4/2019 có 25 đơn vị, doanh nghiệp có 265 lao động người nước
ngoài (chủ yếu là địa bàn Phan Thiết, Tuy Phong, Hàm Thuận Nam) tham gia đóng
BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và bệnh nghề nghiệp. So
với số lao động người nước ngoài hiện có tại các doanh nghiệp còn thấp.
Đây là nhóm đối tượng mới tham gia
BHXH nên các doanh nghiệp vẫn còn nhiều lúng túng trong việc xác định người nào
phải đóng, người nào không; ai chi tiền đóng BHXH - doanh nghiệp hay người lao
động? Mặt khác, một số doanh nghiệp cũng băn khoăn về mức đóng, tiền lương đóng
BHXH cho lao động người nước ngoài, bởi họ hưởng lương rất cao, tính theo USD và
tương đương hàng trăm triệu đồng mỗi tháng. Hiện lao động người nước ngoài làm
việc tại doanh nghiệp Bình Thuận đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như:
Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… Về đối tượng đóng, theo quy định tại Nghị định 143
thì lao động người nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia
BHXH bắt buộc khi có giấy phép lao động, hoặc chứng chỉ hành nghề, hoặc giấy
phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có hợp đồng lao động
không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 1 năm trở lên
với người sử dụng lao động tại Việt Nam. Việc đóng BHXH cho lao động người nước
ngoài được thực hiện theo 2 giai đoạn.
Từ ngày 1/12/2018, người sử dụng lao
động hàng tháng đóng trên quỹ tiền lương tháng đóng BHXH của người lao động 3%
vào quỹ ốm đau và thai sản; 0,5% vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề
nghiệp. Kể từ ngày 1/1/2022, ngoài mức đóng trên thì hàng tháng người sử dụng
lao động đóng 14%; lao động người nước ngoài làm việc tại Việt Nam đóng bằng 8%
mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Như vậy, trong giai đoạn đầu,
doanh nghiệp đóng BHXH cho lao động ở 3 chế độ ngắn hạn là ốm đau, thai sản và
bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp. Sang giai đoạn sau, doanh nghiệp
và người lao động cùng đóng BHXH ở 2 chế độ dài hạn là hưu trí và tử tuất.
Điều các doanh nghiệp và người lao
động còn băn khoăn là “Lao động người nước ngoài hưởng lương rất cao, có khi lên
đến hàng trăm triệu đồng/ người/tháng. Nhưng, mức lương tháng làm cơ sở đóng
BHXH tối đa không quá 20 lần lương cơ sở (lương cơ sở hiện nay là 1,39 triệu
đồng/tháng)”. Mặt khác, việc bất đồng ngôn ngữ cũng sẽ hạn chế nhiều trong tuyên
truyền, giải thích chế độ, chính sách BHXH, BHYT đối với lao động người nước
ngoài.
S. HƯƠNG