Theo dõi trên

Kỷ niệm ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam (1/7): Tạo sự đột phá để tăng tốc bao phủ BHYT

01/07/2019, 09:33 - Lượt đọc: 6

 BT- Bảo hiểm y tế là một trong những chính sách an sinh xã hội quan trọng của đất nước. BHYT toàn dân là mục tiêu hướng đến của cả nước vào cuối năm 2020. Tuy nhiên, lộ trình và kết quả thực hiện BHYT ở mỗi địa phương còn nhiều cách biệt. Hiện cả nước tỷ lệ bao phủ BHYT đạt tỷ lệ 89% dân số, nhưng nhiều tỉnh, thành phố kết quả thực hiện còn nhiều hạn chế, trong đó có Bình Thuận. Đến đầu tháng 6/2019, số người tham gia BHYT toàn tỉnh là 1.013.700 người, giảm 11.667 người so cuối năm 2018; tỷ lệ bao phủ BHYT đến nay đạt 81,28% dân số, giảm 1,42% so cuối năm 2018. Như vậy, từ nay đến cuối năm 2019 cần phải phát triển xấp xỉ 60.000 người để đạt tỷ lệ bao phủ BHYT 86% theo chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao.

Thực hiện được mục tiêu nói trên không dễ dàng mà đòi hỏi sự nỗ lực của các ngành, địa phương. Bởi trên thực tế hiện nay một số nhóm đối tượng tham gia BHYT có xu hướng giảm như: Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng giảm 181 người; nhóm do ngân sách nhà nước đóng giảm 4.925 người; nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng giảm 10.489 người. Đối với đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình (HGĐ), trong thời gian qua, cấp ủy Đảng, chính quyền một số địa phương quan tâm chỉ đạo quyết liệt, đưa chỉ tiêu phát triển BHYT vào nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm. Vì vậy, việc duy trì số người tham gia và khai thác, phát triển mới đối tượng HGĐ tham gia BHYT tại các địa phương tăng đáng kể, góp phần đẩy nhanh tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn (trong 5 tháng đầu năm 2019 có 3.884 người tham gia BHYT)…

Mặc dù các địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động nhưng vẫn còn nhiều HGĐ khó tiếp cận với chính sách BHYT, nhất là những HGĐ không còn nằm trong danh sách hộ cận nghèo được hỗ trợ mức đóng BHYT, HGĐ sống ven biển, làm nghề đánh bắt hải sản, đồng bào dân tộc thiểu số... cuộc sống còn nhiều khó khăn, thu nhập không ổn định, không đủ tiền đóng cùng một lúc cho tất cả thành viên trong gia đình. Mặt khác, họ có tâm lý chủ quan, ít quan tâm tới sức khỏe nên rất khó khăn trong công tác vận động. Một bộ phận người dân chưa có ý thức chia sẻ cho cộng đồng, còn trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước…

Thiết nghĩ, để tăng tốc bao phủ BHYT, đạt chỉ tiêu Chính phủ giao các địa phương cần tạo sự đột phá trong giải pháp thực hiện; tiếp tục vận động từ các nguồn xã hội hóa, cân đối nguồn kinh phí và có chính sách hỗ trợ phù hợp từ nguồn ngân sách địa phương cho các nhóm đối tượng thuộc HGĐ cận nghèo; người thuộc HGĐ nghèo vừa thoát nghèo năm 2018 chưa có điều kiện tham gia BHYT. Tuy nhiên, việc hỗ trợ 10% mức đóng đối với người thuộc HGĐ cận nghèo của các huyện, thị, thành phố thời gian qua chưa nhất quán về nguồn hỗ trợ (vận động tài trợ mạnh thường quân, chi ngân sách huyện, quỹ người nghèo...); về phía địa phương hỗ trợ (có huyện hỗ trợ, có huyện không; có xã hỗ trợ, có xã không); thời gian hỗ trợ (mua thẻ BHYT nhiều kỳ hạn: 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng, 12 tháng). UBND tỉnh cần chỉ đạo thống nhất; người thuộc HGĐ cận nghèo cần tham gia BHYT liên tục để được chăm sóc sức khỏe, được hưởng quyền lợi khi có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên theo quy định. Đối với nhóm HSSV, người thuộc HGĐ làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp, hiện nay ngân sách Trung ương hỗ trợ mức đóng 30%, UBND tỉnh hỗ trợ 3%. Mức đóng 67% còn lại là quá cao, Chính phủ chưa tăng mức hỗ trợ đóng BHYT đối với nhóm đối tượng này, vì vậy việc vận động tham gia BHYT vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

 Lê Thanh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỷ niệm ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam (1/7): Tạo sự đột phá để tăng tốc bao phủ BHYT