Theo dõi trên

Doanh nghiệp lách luật, người lao động thiệt thòi

04/09/2018, 08:45 - Lượt đọc: 120

BT- Hàng trăm lao động bị doanh nghiệp (DN) sử dụng các “thủ thuật” không đóng hoặc đóng không đầy đủ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) theo quy định; tác động xấu đến sự cân đối nguồn quỹ, đảm bảo an sinh xã hội và quyền lợi của người lao động (NLD).

Tình trạng các DN nợ đọng, nợ kéo dài và nợ khó thu hồi đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi của hàng trăm lao động; tác động xấu đến sự cân đối nguồn quỹ và đảm bảo an sinh xã hội. Để giải quyết tình trạng nợ đọng trên, cơ quan BHXH đẩy mạnh việc thanh tra, xử phạt các DN vi phạm; tiến hành  chuyển hồ sơ sang cơ quan công an đối với những DN cố tình chây ỳ.

Một trong những nguyên nhân nợ đọng lâu ngày, đầu tiên là do DN chưa chấp hành nghiêm pháp luật, và “chế tài” chưa đủ sức răn đe. Bên cạnh đó, không ít DN “ăn nên làm ra” cũng cố tình nợ để chiếm dụng  nguồn tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN của NLD, thay vì vay ngân hàng phải trả lãi. Song song đó, NLD biết công ty vi phạm Luật Lao động và BHXH, gây ảnh hưởng quyền lợi, nhưng vẫn im lặng không dám đấu tranh đòi quyền lợi chính đáng ấy vì sợ mất việc làm.

Thêm vào đó, các DN dựa vào “kẽ hở” của luật, có cách “lách” luật khác nhau nhằm giảm chi phí đóng BHXH, không đóng hoặc đóng không đầy đủ theo quy định cho NLĐ. Chẳng hạn, mức lương thể hiện trong hợp đồng thấp hơn mức lương của NLĐ thực nhận, hoặc  không ký hợp đồng lao động, khoán việc dưới dạng cộng tác viên… Tuy nhiên, khi DN làm việc với cơ quan thuế thì quyết toán thuế đầy đủ số người tham gia lao động… Cách khác, khá nhiều công ty xây dựng thang bảng lương cho NLD nhưng không áp dụng và áp dụng không đúng; hoặc theo kiểu tách tiền lương thành nhiều khoản phụ cấp (phụ cấp trách nhiệm, hiệu quả công việc, thưởng doanh thu, các khoản bổ sung…). Trong khi đó, đóng BHXH thì lại chỉ căn cứ trên mức lương cơ bản dẫn đến mức hưởng quyền lợi về các chế độ bảo hiểm của NLĐ thấp hơn nhiều, nhưng tổng tiền lương hàng tháng của NLD vẫn đủ.

Câu chuyện DN lách luật, trốn đóng, nợ đọng các loại bảo hiểm là không mới, vấn đề đặt ra đâu giải pháp căn cơ để giảm mức tối thiểu tình trạng này? Qua phân tích nguyên nhân, các thủ thuật lách luật trên, phần nào chứng minh rằng: các cơ quan chức năng đồng quản lý các DN như Thuế, Sở Kế hoạch và Đầu tư, BHXH…) chưa có sự đồng nhất về các số liệu của DN, tính ràng buộc chưa cao, khó quản lý, kiểm tra chính sách tiền lương của các DN... Nghĩa là các cơ quan chức năng này chưa liên thông về số liệu các DN. Một khi được liên thông thông qua một phần mềm quản lý (ứng dụng công nghệ thông tin), thì DN khó trốn các khoản phí bảo hiểm, quyền lợi người lao động được đảm bảo cao hơn.

Tính đến 7/2018, có 97 DN nợ BHXH, BHYT, BHTN của 460 người lao động từ 12 tháng trở lên, với tổng số tiền hơn 21 tỷ đồng. Đáng chú ý, ghi nhận có 76 DN trong tình trạng “mất tích” rơi vào nợ khó đòi, tương ứng khoảng 6,37 tỷ đồng.

Trang Minh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Doanh nghiệp lách luật, người lao động thiệt thòi