Theo dõi trên

Điều chỉnh chức danh nghề, công việc nặng nhọc

28/02/2018, 09:49

BT- Trong quá trình tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) việc khai báo thông tin chính xác là điều hết sức cần thiết và thuộc trách nhiệm của người lao động và người sử dụng lao động. Thực tế, nhiều người lao động thường ít quan tâm đến những thông tin ghi trên sổ BHXH của mình, đến khi giải quyết các chế độ BHXH mới phát hiện những sai sót. Việc điều chỉnh lại thông tin sai sót vừa tốn thời gian, có thể chậm trễ việc hưởng chế độ, hoặc gặp vướng mắc do hồ sơ gốc thiếu, không phản ánh đầy đủ... Để kịp thời phát hiện, điều chỉnh thông tin đúng với thực tế phát sinh, người lao động cần kiểm tra, đối chiếu kỹ các thông tin ghi trên sổ BHXH nhằm đảm bảo quyền lợi về BHXH theo quy định của pháp luật.

BHXH tỉnh thực hiện nghiệp vụ rà soát sổ BHXH của người lao động.

 Một trong những vướng mắc khá phổ biến vừa được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn (Công văn số 4824/LĐTBXH-BHXH ngày 17/11/2017), là đối với trường hợp người lao động thực tế làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (NNĐHNH) và đặc biệt NNĐHNH và được hưởng đầy đủ các chế độ đối với người làm nghề, công việc NNĐHNH và đặc biệt NNĐHNH theo quy định của pháp luật nhưng ghi chưa đúng chức danh nghề trong sổ BHXH thì cơ quan BHXH thực hiện điều chỉnh theo quy định tại Điều 98 Luật BHXH về điều chỉnh thông tin tham gia BHXH, cụ thể:

Người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản với cơ quan BHXH khi có thay đổi thông tin tham gia BHXH.Hồ sơ điều chỉnh thông tin cá nhân của người lao động tham gia BHXH bao gồm: tờ khai điều chỉnh thông tin cá nhân; sổ BHXH; bản sao giấy tờ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến việc điều chỉnh thông tin cá nhân theo quy định của pháp luật.

Khi thực hiện điều chỉnh phải đảm bảo đúng tên nghề, công việc NNĐHNH và đặc biệt NNĐHNH theo danh mục nghề, công việc NNĐHNH và đặc biệt NNĐHNH do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành.

Đối với trường hợp người lao động làm nghề, công việc NNĐHNH và đặc biệt NNĐHNH nhưng hồ sơ chưa đầy đủ hoặc phức tạp mà cơ quan BHXH không có đủ căn cứ để thực hiện điều chỉnh được thì thông báo người sử dụng lao động lập hồ sơ để nghị, gửi bộ, ngành chủ quản có ý kiến với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nếu tiếp tục có kiến nghị điều chỉnh.

Một số quyền lợi của người lao động liên quan đến thời gian làm nghề hoặc công việc NNĐHNH hoặc đặc biệt NNĐHNH thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành:

- Điều kiện hưởng lương hưu: Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, g, h và i khoản 1 Điều 2 của Luật BHXH năm 2014, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 điều này, khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên thì được hưởng lương hưu nếu nam từ đủ 55 tuổi đến đủ 60 tuổi, nữ từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc NNĐHNH hoặc đặc biệt NNĐHNH thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành.

- Thời gian hưởng chế độ ốm đau: Thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau trong một năm đối với người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d và h khoản 1 Điều 2 của Luật BHXH năm 2014 tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ tết, ngày nghỉ hằng tuần và được quy định: Làm nghề hoặc công việc NNĐHNH hoặc đặc biệt NNĐHNH thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành thì được hưởng 40 ngày nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm; 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.

PHƯƠNG ĐÔNG



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Điều chỉnh chức danh nghề, công việc nặng nhọc