Xung quanh vụ việc đất của ông T
Xung quanh vụ việc đất của ông Trương Tuấn Kiệt: Đề nghị đền bù thỏa đáng cho
người dân
BT- Liên quan đến việc UBND xã Hòa
Thắng, huyện Bắc Bình tổ chức kiểm tra xác định ranh giới đất của ông Trương
Tuấn Kiệt (thường trú tại thôn Hồng Lâm, xã Hòa Thắng), mới đây, ông Kiệt đã có
đơn yêu cầu làm rõ sự việc.
 |
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Kiệt được cấp từ năm 2004. |
Ông Kiệt cho biết, vào năm 2005, ông
Kiệt mua lại diện tích 11.430m2 đất của ông Lê Thanh Bình. Toàn bộ diện tích này
đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số: Đ 042904 ngày 9/6/2004. Mục
đích sử dụng đất là đất trồng cây hoa màu, thời hạn sử dụng đất là đến năm 2024.
Do thường xuyên phải đi lại nhiều nơi nên ông Kiệt đã nhờ ba ruột là ông Trương
Công Luận đứng tên trên giao dịch. Từ đó đến nay, ông Kiệt vẫn là người trực
tiếp sử dụng, canh tác. Trong quá trình canh tác, ông Kiệt đã mua thêm đất của
các hộ kế bên để đủ gần 2 ha. Đến năm 2017, ông Luân, ba ruột của ông Kiệt đã
làm thủ tục tặng lại khu đất trên cho ông Kiệt.
Bất ngờ đến đầu năm 2020, Công ty cổ
phần Sài Gòn - Hòn Nghề và Công ty CP SX TM Việt Đức gửi đơn đến UBND xã Hòa
Thắng khiếu nại việc ông Kiệt chiếm đất trong dự án. Tuy nhiên, từ khi mua lại
khu đất trên đến nay, ông Kiệt không hề nhận được quyết định thu hồi đất hay bất
cứ cá nhân nào đến để thỏa thuận việc đền bù.
Khi giải quyết đơn của 2 công ty
trên, UBND xã Hòa Thắng cho rằng diện tích đất ông Kiệt đang sử dụng đã được cấp
cho 2 công ty nêu trên. Cụ thể, ngày 10/3/2020, UBND xã Hòa Thắng phối hợp với
chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai và 2 hộ dân (chủ đất cũ) cùng với ông Trương
Tuấn Kiệt xác định ranh đất đã có sổ của ông Kiệt. Tại thực địa các định ranh
đất của ông Kiệt không trùng với vị trí đất hiện ông Kiệt đang rào (vị trí đất
có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nằm ở hướng tây vị trí đất hiện ông Kiệt
đang rào). UBND xã Hòa Thắng đã tiến hành lập biên bản kiểm tra hiện trạng và
biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực đất đai.
"Trước đây, tôi đã từng khiếu nại về
khu đất của mình. Điều làm tôi bất ngờ là đất của tôi có giấy chứng nhận quyền
sử dụng đất từ năm 2004. Nhưng không hiểu vì sao trong bản đồ 920 lại không thể
hiện đất của tôi trên bản đồ. Để bảo vệ tài sản của mình không còn cách nào khác
tôi phải rào lại. Việc sai lệch mốc ranh giới chỉ là sai sót trong quá trình
rào. Còn sự thật ở đây là tôi có đất nằm trong dự án nhưng đến nay chưa được đền
bù thỏa đáng", ông Kiệt cho biết.
Trong một diễn biến khác, tại Công
văn số 2714/STNMT-CCQLĐĐ ngày 5/7/2017 của Sở Tài nguyên và Môi trường về việc
có ý kiến liên quan Khu du lịch Sài Gòn - Hòn Nghề đã nêu rõ: "Theo quy định
Luật Đất đai năm 2013 thì dự án này (dự án Sài Gòn – Hòn Nghề) không thuộc
trường hợp Nhà nước thu hồi đất mà chủ đầu tư phải thực hiện thỏa thuận nhận
quyền sử dụng đất (thông qua hình thức nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng
đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất) theo quy định tại Điều 73 Luật Đất đai
năm 2013 và Điều 16 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2017, khoản 15, Điều 2
Nghị định số 1/2017/NĐ-CP ngày 6/1/2017 của Chính phủ. Sau khi Sở Tài nguyên và
Môi trường tổ chức hoàn thành việc bàn giao đất cho các chủ đầu tư, đối với các
dự án thuộc khu vực tận thu khai thác khoáng sản từ xã Hồng Phong đến xã Hòa
Thắng (trong đó có dự án Khu du lịch Sài Gòn - Hòn Nghề), yêu cầu chủ đầu tư
khẩn trương phối hợp UBND huyện Bắc Bình cũng như chỉ đạo UBND xã Hòa Thắng phối
hợp các phòng, ban liên quan xác định tính pháp lý về đất đai để thực hiện thỏa
thuận nhận quyền sử dụng đất thực hiện dự án theo quy định".
Trước bức xúc của người dân, đề nghị
các ngành chức năng huyện Bắc Bình, UBND xã Hòa Thắng tổ chức đối thoại giữa
người dân và doanh nghiệp để tìm ra tiếng nói chung, đền bù thỏa đáng cho người
dân.
Nguyễn
Luân