Theo dõi trên

Tạo đà giảm nghèo bền vững

19/02/2019, 08:39 - Lượt đọc: 25

BT- Sau nhiều năm triển khai chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số (Chương trình 135), đời sống văn hóa, vật chất của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được nâng lên… 

Trong các năm từ 2014 đến 2017, gần 100 gia đình thuộc đối tượng hộ nghèo, cận nghèo ở xã Đông Tiến (Hàm Thuận Bắc) đã được hỗ trợ bò từ nguồn vốn Chương trình 135. Mỗi hộ được hỗ trợ 1 con bò sinh sản, đến nay nhiều hộ đã phát triển đàn bò rất tốt. Gia đình bà Mang Thị Bé là một ví dụ. Bà cho biết: “Năm 2014, gia đình nhận bò sinh sản, sau 1 năm thì con bò đã đẻ ra được một con bê cái. Liên tiếp các năm sau, bò mẹ sinh sản mỗi năm 1 lứa. Năm 2017, con bê sinh năm 2015 bắt đầu vào thời kỳ sinh sản. Hiện nay, gia đình tôi đã có 2 bò mẹ. Vì vậy, mỗi năm gia đình tôi đều có bò để bán. Số tiền từ việc bán bò đã giúp gia đình tôi phát triển kinh tế tốt hơn”. Không chỉ người dân xã Đông Tiến mà từ 3 năm 2016 - 2018 trên địa bàn toàn tỉnh có 1.242 hộ dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ số tiền 6.874,5 triệu đồng để phát triển kinh tế.

                
Đời sống người dân vùng đồng bào dân tộc    thiểu số có nhiều thay đổi rõ rệt.

Không chỉ hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, Chương trình 135 còn hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Từ nguồn vốn Chương trình 135, năm 2018 xã Đông Tiến đã hoàn thành việc nâng cấp Trạm y tế xã với số vốn gần 600 triệu đồng. Trước đó, Trường tiểu học Đông Tiến cũng được sửa chữa từ nguồn vốn Chương trình 135. Tương tự xã Đông Tiến, xã Phan Tiến của huyện  Bắc Bình cũng nhờ nguồn vốn 135 mà xây dựng công trình nước sạch, kết thúc những ngày sử dụng nước sông Cà Tót vừa không hợp vệ sinh mà bất tiện. Là một trong những hộ được hưởng lợi từ công trình nước sạch, chị K’Thị Hội, thôn Tiến Đạt (xã Phan Tiến) chia sẻ: “Từ ngày có nước máy sinh hoạt, bà con không còn sử dụng nguồn nước sông suối nữa. Trước đây, khi chưa có nước máy người dân ở đây thường phải đi rất xa mới đến sông, con sông ấy vừa là nơi tắm giặt vừa mang nước về sử dụng nấu ăn. Lúc đó dù nước đục, không đảm bảo vệ sinh cũng phải dùng, nhưng bây giờ có nguồn nước máy nên bà con không phải đi xa mà lại bảo đảm vệ sinh”. Được biết, từ năm 2016 đến 2018, Chương trình 135 đã hỗ trợ các địa phương  39.064 triệu đồng để triển khai thực hiện 116 công trình cơ sở hạ tầng. Đến cuối năm 2018 đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng 63 công trình. Hầu hết các công trình đầu tư xây dựng hoàn thành đều được địa phương tổ chức bàn giao, phân cấp quản lý, duy tu bảo dưỡng, sử dụng phát huy hiệu quả.

Nhờ nguồn vốn từ Chương trình 135 và nguồn vốn của tỉnh, đến nay, 100% xã có đường giao thông được nhựa hóa đến trung tâm xã. 90% xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được đầu tư xây dựng hệ thống nước sinh hoạt tập trung với 88,5% số hộ đồng bào được dùng nước sạch; 100% trụ sở làm việc của UBND xã được xây dựng kiên cố; 100% xã có nhà văn hóa. Đời sống kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào ngày càng ổn định. Người dân đã chuyển một bước từ tập quán sản xuất lạc hậu sang áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thâm canh, tăng vụ. Một số vùng đã hình thành chuyên canh cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, cơ bản đã giải quyết vấn đề lương thực tại chỗ và chấm dứt tình trạng đói giáp hạt…

Nguyễn Luân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tạo đà giảm nghèo bền vững