Theo dõi trên

Tánh Linh: Thu hồi đất lấn chiếm để trồng cây bản địa

11/02/2020, 08:56 - Lượt đọc: 96

BT- Đến nay, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Núi Ông, Tánh Linh đã kiểm tra hiện trường, xác lập hồ sơ, xử lý 984 hộ dân lấn chiếm 876,81 ha đất lâm nghiệp, đạt 89,75% diện tích đất lấn chiếm. Trong đó xã Đức Thuận có 373 hộ dân lấn chiếm 327 ha, xã Đức Bình có 276 hộ dân lấn chiếm 167,97 ha, xã La Ngâu có 108 hộ dân lấn chiếm 71,23 ha; còn lại khoảng 100 ha đất chưa xác định được chủ thể lấn chiếm sử dụng.

                
   Một góc Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông.

Để nhanh chóng thu hồi đất lấn chiếm, Ban quản lý Khu BTTN Núi Ông ban hành kế hoạch kiểm tra hiện trường, xác lập hồ sơ, xử lý đất lâm nghiệp bị lấn chiếm và tham mưu Ban chỉ đạo 984 của huyện tổ chức kê khai, kiểm tra thực địa, thực hiện đề án thí điểm trồng các loại cây bản địa để khôi phục lại rừng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các hộ dân tự giác kê khai đất lấn chiếm để thu hồi trồng các loại cây bản địa. Cụ thể đã ban hành 8 thông báo đăng ký kê khai, kiểm tra thực địa đất lấn chiếm và thực hiện đề án thí điểm trồng các loại cây bản địa để khôi phục lại rừng tại phân khu phục hồi sinh thái Khu BTTN Núi Ông. Qua vận động đã có 984 hộ dân đăng ký kê khai đất lấn chiếm 876,81 ha và tham gia kiểm tra thực địa 775 hộ dân, với diện tích 703,44 ha đất lấn chiếm trái phép. Bên cạnh đó, đơn vị đã thực hiện đề án thí điểm trồng các loại cây bản địa và kết hợp trồng rừng kinh tế chia sẻ lợi ích trên đất lâm nghiệp bị lấn chiếm theo Quyết định số 3219/QĐ-UBND, ngày 22/11/2018 của UBND tỉnh. Ngày 2/5/2019, UBND tỉnh ra quyết định thành lập Ban chỉ đạo thực hiện đề án thí điểm trồng các loại cây bản địa để khôi phục lại rừng tại phân khu phục hồi sinh thái lâm phận Khu BTTN Núi Ông, UBND huyện đã thành lập Tổ công tác thực hiện đề án thí điểm trồng các loại cây bản địa. Đơn vị đã xây dựng 2 quy chế về tổ chức hoạt động của Tổ công tác và Ban chỉ đạo về phân công trách nhiệm của các thành viên thực hiện đề án thí điểm trồng các loại cây bản địa. Theo Quyết định số 3219 của UBND tỉnh đã đầu tư 19.945,7 triệu đồng thực hiện đề án thí điểm trồng các loại cây bản địa tại phân khu phục hồi sinh thái lâm phận Khu BTTN Núi Ông. Trong đó được phân kỳ theo năm 2018 là 968,8 triệu đồng và năm 2019 là 5.701,4 triệu đồng. Nhưng đến nay UBND tỉnh chưa phân khai kinh phí thực hiện đề án thí điểm trồng các loại cây bản địa để khôi phục lại rừng.

Tuy nhiên, năm 2018, Chương trình UN-REDD đã hỗ trợ cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thực hiện mô hình thí điểm trồng 40 ha cây lâm nghiệp bản địa đa tác dụng mật độ thấp trên đất lấn chiếm tại Khu BTTN Núi Ông. Đơn vị đã tổ chức cho 24 hộ dân thị trấn Lạc Tánh, xã Đức Thuận trồng thí điểm 40 ha cây thanh trà, ươi (cây lâm nghiệp bản địa), với mật độ 200 cây/ha tại tiểu khu 346, 358, 361, thuộc xã Gia Huynh, Đức Thuận, Đức Bình. Chương trình UN-REDD chỉ hỗ trợ cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, còn lại công trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng do các hộ dân thực hiện, nên đơn vị đã hỗ trợ thêm cho các hộ dân trồng rừng 1 triệu đồng/ha. Qua kiểm tra đánh giá tỷ lệ rừng trồng sống thấp chỉ trên 50%, không đạt tiêu chí trồng rừng. Nguyên nhân do thời điểm trồng rừng vào tháng 9, 10 cuối mùa mưa, thời tiết hanh khô, nắng nóng kéo dài và một số hộ dân xịt thuốc diệt cỏ cho cây mì làm ảnh hưởng đến rừng trồng.

Hiện tại, đơn vị đã tham mưu UBND huyện báo cáo, kiến nghị UBND tỉnh sớm phân khai kinh phí thực hiện đề án thí điểm trồng các loại cây bản địa để khôi phục lại rừng tại Khu BTTN Núi Ông; chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền về lợi ích, sự cần thiết khi thực hiện đề án thí điểm trồng các loại cây bản địa để khôi phục lại rừng và vận động các hộ dân còn lại đến đăng ký kê khai diện tích đất lấn chiếm. Các trạm bảo vệ rừng thường xuyên kiểm tra, quản lý chặt chẽ diện tích đất lấn chiếm đã thu hồi và không cho các hộ dân trồng mới các loại cây trái phép.                 

ngỌc TuẤn



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tánh Linh: Thu hồi đất lấn chiếm để trồng cây bản địa