Theo dõi trên

Tăng cường quản lý xử lý chất thải sinh hoạt

04/05/2021, 09:14

BT- Đến nay, toàn tỉnh có 7 dự án nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại các địa phương, nhưng mới có 1 nhà máy đi vào hoạt động, 3 nhà máy đang đầu tư xây dựng chuẩn bị đưa vào hoạt động và 3 dự án đang triển khai hồ sơ thủ tục. Tại các huyện có 15 bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt được giao cho Ban quản lý Công trình công cộng quản lý. Vị trí xây dựng các bãi chôn lấp đều phù hợp với quy hoạch quản lý chất thải rắn đã được phê duyệt. Riêng bãi rác Bình Tú tại xã Tiến Thành, Phan Thiết là không phù hợp với quy hoạch và đã có kế hoạch di dời.

                
Nhà máy xử lý rác ở Tánh Linh. Ảnh:    Đ.Nhượng

Quản lý xử lý chất thải sinh hoạt

Theo báo cáo của các ngành chức năng tỉnh, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị trên địa bàn tỉnh khoảng 1.485 tấn/ngày đêm, nhưng mới thu gom đạt 63,76%. Chất thải rắn phát sinh được Ban quản lý Công trình công cộng các huyện, thị xã và Công ty CP Môi trường và Dịch vụ đô thị Bình Thuận thu gom, vận chuyển, xử lý. Trong đó có một phần được xử lý tái chế, tái sử dụng, còn lại chôn lấp tại các bãi rác lộ thiên, chưa đảm bảo các quy chuẩn môi trường. Rác thải sinh hoạt chủ yếu được thu gom, vận chuyển về bãi rác tập trung của các huyện để xử lý. Việc xây dựng các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt hợp vệ sinh đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn, nên các địa phương không đủ nguồn vốn. Phương pháp xử lý chất thải rắn hiện nay chủ yếu là chôn lấp không hợp vệ sinh dẫn đến quá tải, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân. Toàn tỉnh chỉ có Nhà máy rác Đa Lộc tại xã Tân Bình, thị xã La Gi của Công ty CP Thương mại – Xây dựng Đa Lộc đi vào hoạt động, có công suất 200 tấn rác/ngày, diện tích sử dụng đất 30 ha, với tổng vốn đầu tư 150 tỷ đồng. Còn Nhà máy rác Nhật Hoàng tại xã Tiến Thành, Phan Thiết của Công ty TNHH Nhật Hoàng đang xây dựng chuẩn bị đưa vào hoạt động, có công suất 400 tấn/ngày, diện tích sử dụng đất 20,02 ha, với tổng vốn đầu tư 495,54 tỷ đồng. Nhà máy xử lý rác Bá Phát tại xã Gia Huynh, Tánh Linh của Công ty TNHH Môi trường Bá Phát cũng đang xây dựng, có công suất 84 tấn/ngày, diện tích sử dụng đất 6,7 ha, với tổng vốn đầu tư 105 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, chất thải rắn sinh hoạt nông thôn phát sinh khoảng 560 tấn/ngày, nhưng mới thu gom đạt 58,6%, được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, tự phân hủy tại các bãi rác tập trung của địa phương. Chất thải rắn công nghiệp phát sinh tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh khoảng 1.066,2 tấn/năm, được ký kết hợp đồng với Ban quản lý CTCC các huyện, thị xã, Công ty CP Môi trường – Dịch vụ đô thị Bình Thuận thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý. Chất thải rắn y tế của 152 cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh khoảng 260 tấn/năm, nhưng chỉ có 12 cơ sở khám chữa bệnh đã đầu tư lò đốt rác thải rắn y tế, còn lại xử lý bằng cách đốt trong lò đốt thủ công và chôn lấp sau khi xử lý. Nhưng hầu hết các lò đốt rác thải rắn y tế của 12 cơ sở khám chữa bệnh không hoạt động, do bị hư hỏng, tốn nhiên liệu, rác thải đốt không tiêu hủy hết, phát sinh khói đen, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Bộ Y tế đã đầu tư hỗ trợ hệ thống xử lý chất thải y tế tại 4 bệnh viện: Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện đa khoa khu vực phía Nam, Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Bình Thuận, Bệnh viện đa khoa khu vực thị xã La Gi. Nhờ đó chất thải rắn y tế tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh được thu gom, xử lý tại 4 bệnh viện theo mô hình cụm. 

Giải pháp trong thời gian tới

Để quản lý, xử lý rác thải sinh hoạt đạt hiệu quả, các ngành chức năng tỉnh, huyện, thị xã, thành phố cần phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức phân loại rác, đổ rác đúng nơi quy định, giữ gìn vệ sinh môi trường nơi cư trú. Đầu tư hỗ trợ cho công tác thu gom rác thải sinh hoạt và bố trí các phương tiện thu gom rác thải riêng biệt cho các loại rác khác nhau. Mở rộng địa bàn thu gom rác thải và nâng tỷ lệ rác thải được thu gom, xử lý trên địa bàn tỉnh. Triển khai hiệu quả công cụ pháp lý trong công tác quản lý chất thải và xác nhận đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường đối với các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp. Tăng cường kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và có cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư tham gia xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt. Thực hiện có hiệu quả dự án kết nối các nguồn lực trong việc giảm thiểu rác thải đại dương trên địa bàn các huyện Phú Quý, Tuy Phong, Phan Thiết, do Văn phòng Điều phối chương trình UNDP/GEF SGP tài trợ. Đồng thời rà soát sắp xếp tổ chức bộ máy, tăng cường năng lực quản lý môi trường các cấp và phân bổ nguồn vốn ngân sách cho kinh phí sự nghiệp môi trường hàng năm để thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Tăng cường phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể, chức sắc tôn giáo trong việc tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Khánh HuyỀn



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tăng cường quản lý xử lý chất thải sinh hoạt