Theo dõi trên

Nỗi niềm của người lính chiến trường K

01/07/2020, 09:44

 BT- Những vết thương còn đó, đau nhức hàng đêm mỗi khi trái gió trở trời, không người chăm sóc, ở nơi hiu quạnh. Điều quan tâm hơn là đến nay cựu chiến binh Nguyễn Minh Hạnh chưa được hưởng chính sách thương binh hoặc chế độ bảo trợ xã hội.

                
      Cựu chiến binh Nguyễn Minh Hạnh sống đơn độc ở nơi hiu quạnh.

 Sống hiu quạnh

Nghe hoàn cảnh của ông Nguyễn Minh Hạnh (SN 1962) – một cựu chiến binh chiến trường Campuchia, tôi tìm đến nhà ông ở xóm 4, thôn 5, xã Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc. Nếu không có người chỉ đường, chắc hẳn không ai có thể đến được nhà ông, bởi phải băng qua nhiều ngõ ngách, ruộng đồng, động cát có nhiều nấm mồ và cây cối rậm rạp. Nói là nhà cho sang chứ thực chất là một túp lều nằm trên động cát, nơi ít người lui tới, ngoại trừ người thân lam lũ vì nghèo khó thỉnh thoảng đến thăm. Bên trong ngôi nhà không có gì ngoài vài bộ đồ quân nhân, đồ vật cũ ít giá trị và bàn thờ đầy bụi bám... “Đất này là của ông bà để lại, tôi về đây ở vào năm 2015. Trước đó, tôi sống ở khu phố 13, phường Phú Thủy, TP. Phan Thiết với vợ, nhưng cuộc sống vợ chồng không thuận nên đường ai nấy đi. Tôi đã làm đủ việc để có tiền nuôi mình, lần cuối cùng còn sức khỏe làm việc là làm bảo vệ ở Đền thờ liệt sĩ thành phố Phan Thiết”, ông Hạnh chia sẻ.

Sức khỏe của ông có vấn đề bắt đầu từ năm 1995 khi đi khám bệnh, các bác sĩ bảo do vết thương tái phát. Trước đó, vào năm 1983 theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông lên đường làm nghĩa vụ quốc tế tại chiến trường Campuchia. Ông Hạnh bị thương 2 lần, lần đầu bị mảnh đạn DKZ găm vào trán gần chân mày phải, làm vỡ xương hốc mắt, khi đang huấn luyện tại Sư đoàn D860 An Sơn, Nghĩa Bình, tỉnh Bình Định. Lần thứ 2, bị đạn găm vào mông bên phải khi đang tiếp tế đạn cho lực lượng đánh Pôn-pốt tại Điểm cao 600 Tây, huyện Chom Cây San, tỉnh Prết Vi Hia, Campuchia. Tất cả các mảnh đạn được cho là đã gắp ra, vết thương mau lành khi sức trẻ phơi phới và tiếp tục chiến đấu cho đến ngày phục viên. Ngày rời quân ngũ, A trưởng Nguyễn Minh Hạnh nhận được quyết định phục viên, lý lịch đoàn viên, phiếu quân nhân và giấy khen, ngoài ra không có giấy tờ gì liên quan đến thương tật. “Hồi đó nghĩ đơn giản bị thương một chút rồi lành, không quan tâm sức khỏe. Sau này đau chịu không nổi, tôi có đi nói chuyện với đồng đội, họ bảo đi làm giấy tờ để được hưởng trợ cấp, nhưng không có giấy thương tật...”, ông Hạnh tâm sự.

  Đồng đội sẵn sàng làm chứng

Tận mắt chứng kiến ông bị thương ở chiến trường, nhiều đồng đội đã khuyên ông nên đi làm giấy tờ để được hưởng chế độ chính sách. Ông Trần Hữu Ân, xã Hồng Sơn, huyện Hàm Thuận Bắc khi đó công tác tại Ban Quân y Tiểu đoàn 11, Sư đoàn 860, Quân khu 5 trực tiếp cấp cứu gắp miếng đạn trên trán cho ông Hạnh đã cùng đồng đội khác ký vào giấy xác thực đề nghị chính quyền địa phương xem xét chế độ cho ông Hạnh.  Đại tá Nguyễn Văn Quân – nguyên Phó Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, đồng đội của ông Hạnh cho biết: “Khi còn làm việc, tôi đã nói ông Hạnh làm giấy tờ đi để nhận chế độ, nhưng không hiểu sao đến nay chưa làm được. Vết thương ở trán nặng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, chưa nói đến vết thương ở mông, ông Hạnh đủ điều kiện được hưởng chế độ thương binh hoặc bảo trợ xã hội”.

Cuối năm 2018, trong một cơn đau tưởng liệt nửa người, ông Hạnh đã đến Bệnh viện đa khoa tỉnh khám bệnh, bác sĩ chỉ định chụp X-quang thương tật ở mông. Kết quả chẩn đoán, dị vật tồn tại trong mô mềm, có nghĩa là mảnh đạn vẫn còn trong vết thương. Năm 2019, UBND xã Hàm Đức đã nhận hồ sơ đề nghị xác nhận người hưởng chính sách như thương binh của ông Hạnh và yêu cầu Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi Hàm Đức xác minh. Qua xác minh, ông Hạnh bị thương khi tham gia chiến đấu chiến trường Campuchia. Khi phục viên về địa phương chưa kê khai lập hồ sơ thương tật và chưa được hưởng chế độ chính sách nào. Kết luận trường hợp ông Hạnh đủ điều kiện giải quyết thương binh theo quy định và chuyển về UBND phường Phú Thủy xem xét. Hội Người cao tuổi của phường Phú Thủy đề nghị UBND phường giải quyết theo ý kiến của UBND xã Hàm Đức. UBND phường Phú Thủy đã họp lấy ý kiến nhân dân đối với hồ sơ của ông Hạnh. Qua họp xét, Hội đồng xác nhận người có công của phường cũng kết luận ông Hạnh đủ điều kiện xác nhận thương binh theo quy định tại Thông tư liên tịch số 28 của Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội và Bộ Quốc phòng. UBND phường đề nghị các cơ quan có liên quan cũng như Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) thành phố Phan Thiết xem xét, xác nhận để ông Hạnh được hưởng chế độ.

Tuy nhiên, cho đến nay hồ sơ của ông Hạnh chưa được giải quyết. Hiện cuộc sống của ông Hạnh khó khăn, không con cái, anh em ai cũng nghèo khó, cha mẹ đã mất. Bệnh tình của ông ngày càng nặng, nên rất cần sự quan tâm của bạn bè, đồng đội, đặc biệt các ngành chức năng xem xét, giải quyết chế độ chính sách hoặc chế độ bảo trợ xã hội để ông an tâm.

    
      Trường hợp của ông Hạnh, đã được ông Nguyễn Vĩnh Phúc (khu phố 3, phường   Phú Thủy, TP. Phan Thiết), nguyên Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật   tỉnh, người đã dành thời gian giúp những cựu tù chính trị, thương binh   bệnh binh được thụ hưởng các chính sách đãi ngộ, mà do nhiều lý do trước   đó họ chưa được hưởng, kiến nghị kèm theo hồ sơ minh chứng lên UBND tỉnh   và cơ quan có liên quan xem xét. Phóng viên đã liên hệ với Ban CHQS   thành phố Phan Thiết và Bộ CHQS tỉnh, Bộ CHQS cho biết, đã hoàn chỉnh hồ   sơ của ông Hạnh gửi đến Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân   dân Việt Nam và đang chờ kết quả thẩm định.

Ninh Chinh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nỗi niềm của người lính chiến trường K