Theo dõi trên

Người thu mua phế liệu lúng túng tìm địa điểm mới

05/12/2016, 08:55

BT- Theo kế hoạch của UBND TP. Phan Thiết, đến hết ngày 31/12/2016, toàn bộ các cơ sở thu mua phế liệu phải di dời ra khỏi địa bàn 14 phường trên địa bàn thành phố. Còn chưa đầy 1 tháng nữa là đến hạn cuối di dời, tuy nhiên theo thống kê mới chỉ 29/119 cơ sở ngưng hoạt động. Khó khăn về việc tìm địa điểm mới cũng như lo ngại sau khi di dời sẽ hoạt động không hiệu quả là lý do mà nhiều hộ kinh doanh ngành nghề này đưa ra khi còn chần chừ trong việc thực hiện chủ trương.

                
Vợ chồng chị Nguyễn Thị Lượng thu xếp phế    liệu sau khi thu mua về.

Từ Thanh Hóa vào Phan Thiết lập nghiệp năm 2004, vợ chồng chị Nguyễn Thị Lượng đã mang theo nghề thu mua phế liệu để mưu sinh. Sau đúng chục năm dành dụm, cùng với tiền vay mượn, vợ chồng chị Lượng đã vun vén mua được một mảnh đất nhỏ để cất nhà tại khu phố 1, phường Phú Tài. Có nhà sử dụng làm kho chứa hàng, vợ chồng chị mở rộng hoạt động thu gom phế liệu hơn trước. Tuy nhiên, sau khi có chủ trương di dời ra khỏi trung tâm thành phố, vợ chồng chị Lượng cũng đã thử hỏi một số khu đất tại xã Phong Nẫm nhưng vẫn chưa tìm được nơi ưng ý. Chị Nguyễn Thị Lượng nói: “Chúng tôi dành dụm thời gian dài mới cất được căn nhà, nay phải di dời thì cực kỳ vất vả. Bây giờ ở nơi đây đã không cho tôi làm thì di chuyển nơi khác liệu họ có chấp nhận cho mình thuê mặt bằng không? Nếu Nhà nước có chủ trương di dời thì phải hỗ trợ về mặt bằng để chúng tôi có điều kiện tiếp tục công việc. Chứ bây giờ chúng tôi không biết đi đâu để mua bán phế liệu hợp pháp nữa”.

Không riêng chị Lượng mà hiện nay, nhiều hộ kinh doanh ngành nghề thu mua phế liệu trên địa bàn phường Phú Tài hết sức khó khăn trong việc tìm địa điểm kinh doanh mới. Toàn phường có tổng cộng 25 cơ sở hoạt động nghề này, nhưng hiện nay mới có 4 cơ sở ngưng hoạt động và 5 cơ sở chuyển sang kinh doanh sắt thép. 16 cơ sở còn lại vẫn đang hoạt động cầm chừng. Bà Đào Thị Gái - Phó Chủ tịch UBND phường Phú Tài thông tin thêm: “Đối với các hộ còn lại, phường đã tăng cường thành lập tổ kiểm tra để đôn đốc, nhắc nhở việc di dời. Hiện nay, việc khó khăn nhất chính là tìm nơi mới để hoạt động. Một số hộ do khi thu mua đã kết hợp với việc ổn định, chỗ ở của gia đình nên khi di dời thì đa số các hộ này mong muốn được bố trí quỹ đất để thuận lợi hơn trong mua bán cũng như sinh hoạt”.

Như vậy có thể thấy thực tế, hầu hết các hộ đang kinh doanh phế liệu trên địa bàn TP. Phan Thiết đều cơ bản đồng ý với chủ trương di dời ra khỏi trung tâm thành phố. Tuy nhiên khó khăn chung chính là việc tìm chọn địa điểm. Bởi theo thống kê, trong số 119 cơ sở đang hoạt động tại Phan Thiết thì có khoảng 75% số hộ đang ở khu vực nội thành. Việc di dời hàng loạt cơ sở cùng lúc sẽ khó tránh khỏi lúng túng trong việc chọn địa điểm. Theo hướng dẫn của Phòng Tài nguyên - Môi trường Phan Thiết, việc chọn địa điểm sẽ do các hộ kinh doanh chủ động tìm, sao cho đảm bảo không nằm trên trục đường chính và trong khu dân cư của các xã. Sau khi chọn xong, các chủ hộ có thể liên hệ địa phương để được hỗ trợ thủ tục. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong số 29 cơ sở kinh doanh phế liệu đã ngưng hoạt động, nhiều chủ hộ đã chuyển đổi sang kinh doanh ngành nghề khác trên chính khu đất đang sở hữu hoặc thuê mướn.

Ngành nghề kinh doanh phế liệu trên địa bàn TP. Phan Thiết vài năm trở lại đây phát triển khá mạnh với nhiều cơ sở mới mọc lên. Tuy nhiên, kéo theo đó là sự gia tăng nguy cơ mất an toàn do cháy nổ, vệ sinh môi trường lẫn khó khăn trong công tác quản lý kinh doanh. Bên cạnh đó, bộ mặt đô thị của thành phố du lịch sẽ trở nên nhếch nhác nếu ngày càng nở rộ các cơ sở thu mua phế liệu nằm trong khu dân cư, trên các trục đường chính. Vì lợi ích của đa số người dân, TP. Phan Thiết đang hành động quyết liệt để gỡ những “quả bom nổ chậm” này khỏi trung tâm thành phố. Để đôn đốc các địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai khi sắp đến thời hạn cuối, UBND TP. Phan Thiết đã thành lập Đoàn kiểm tra 3559 vào đầu tháng 11/2016. Tại các phường nội thành, các tổ kiểm tra liên ngành cũng đã được thành lập để kiểm tra, đôn đốc tiến độ di dời của các hộ kinh doanh phế liệu. Về kế hoạch triển khai sắp tới, ông Đặng Thanh Tiến - Phó Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường TP. Phan Thiết, Trưởng Đoàn kiểm tra 3559 thành phố cho biết: “Sắp tới, đoàn kiểm tra của thành phố sẽ tiến hành kiểm tra hoạt động di dời ở các phường trung tâm. Qua theo dõi, hiện nay cũng có một số cơ sở khó khăn về đất đai. Có những cơ sở đã tự đi liên hệ đất ở các xã vùng ven Phan Thiết và ở các huyện. Trong đó, một số vị trí đất chưa được địa phương chấp thuận do vướng quy hoạch hoặc nằm trong khu dân cư. Vừa qua, TP. Phan Thiết đã có chỉ đạo các xã vùng ven hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở thu mua phế liệu về điểm kinh doanh, không quá cầu toàn trong điều kiện thuê mướn đất”.

Đã đến thời hạn cuối di dời, rất cần sự chung tay phối hợp giữa các địa phương. Trong đó, những địa bàn vùng ven cần chủ động tạo điều kiện về quỹ đất để các hộ dễ dàng hơn trong việc tìm địa điểm kinh doanh mới. Về lâu dài, UBND TP. Phan Thiết đã kiến nghị tỉnh xem xét, tạo quỹ đất khoảng 5ha ở xã Tiến Thành để làm điểm quy hoạch tập trung cho các hộ kinh doanh thu mua phế liệu.

Châu Tỉnh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Sức lan tỏa từ phong trào thi đua “Dân vận khéo”
Thực hiện lời dạy của Bác: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã có nhiều đổi mới trong công tác dân vận ở cơ sở. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người thu mua phế liệu lúng túng tìm địa điểm mới