Theo dõi trên

Người dân 17 xã bức xúc nước sinh hoạt

25/08/2019, 08:51 - Lượt đọc: 17

BTO- Những năm gần đây hệ thống cấp nước sinh hoạt đã tăng nhanh độ bao phủ ở vùng nông thôn trong tỉnh. Đến nay 48,9% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch từ các công trình cấp nước do Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn quản lý. Song, vẫn còn hàng chục xã chưa có công trình cấp nước hoặc có nhưng tuyến ống cấp nước chưa mở rộng toàn xã. Vì thế, người dân vẫn thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng trong mùa khô.

50% công trình cấp nước quá tải

Hiện tại khu vực nông thôn Bình Thuận có 58 công trình cấp nước với tổng công suất thiết kế 61.145m3/ngày, cung cấp nước sinh hoạt cho 101.893 hộ với 480.751 người sử dụng, chiếm tỷ lệ 48,9% dân số nông thôn. Tuy nhiên, vẫn còn 17 xã khu vực nông thôn chưa có công trình cấp nước hoặc chưa được đầu tư tuyến ống cấp nước, chủ yếu tập trung ở khu vực miền núi (các xã La Dạ, Đa Mi, Thuận Hoà, huyện Hàm Thuận Bắc; các xã thuộc huyện Tánh Linh, Đức Linh); 22 xã đã có công trình cấp nước (hoặc đã có tuyến ống cấp nước đi qua xã), nhưng chưa được mở rộng tuyến ống cấp nước cho toàn xã. Mặt khác, hiện nay có gần 50% công trình cấp nước khu vực nông thôn (cung cấp cho khoảng 40 xã, thị trấn) đang phải vận hành quá tải, vượt công suất thiết kế, nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng nước của nhân dân địa phương. Đặc biệt là vào các tháng mùa khô, tình trạng áp lực nước yếu, các công trình phải cấp nước luân phiên hoặc bị cúp nước cục bộ, vì thế mà nhiều khu vực dân cư rất khó khăn về nguồn nước sinh hoạt, phải đi lấy nước ở xa hoặc mua nước với giá cao, gây ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của cư dân.

Lắp đặt đường ống dẫn nước sinh hoạt.

Nguyên nhân của thực trạng trên, trước hết là do biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, hạn hán thường xuyên xảy ra, gây thiếu hụt, cạn kiệt nguồn nước mặt và nước dưới đất trên diện rộng. Chất lượng nguồn nước thô biến động theo chiều hướng xấu nên ảnh hưởng đến công tác xử lý nước và chi phí cấp nước. Tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong các năm gần đây có nhiều khởi sắc, nên nhu cầu sử dụng nước sạch của nhân dân các địa phương ngày càng tăng, bình quân tăng khoảng 12- 15%/năm. Vì vậy, sau 4 đến 5 năm thì nhu cầu sử dụng nước đã tăng gấp đôi so ban đầu. Mặt khác, từ đầu năm 2016, chương trình mục tiêu quốc gia “Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn” chấm dứt thực hiện và chuyển sang là một chương trình mục tiêu khác thuộc chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trong quá trình thực hiện có nhiều khó khăn do từ năm 2016 đến nay tỉnh chưa có cơ chế phân bổ vốn đầu tư cho các công trình cấp nước, trong khi nguồn vốn ngân sách tập trung rất hạn chế, không đáp ứng yêu cầu về đầu tư mới và nâng cấp, mở rộng các công trình cấp nước hiện có…

Giải quyết bức xúc thiếu nước

Để tháo gỡ tình trạng khó khăn về nước sinh hoạt và giải quyết những bức xúc của dân, UBND tỉnh đã chỉ đạo trong thời gian tới các ngành liên quan và chính quyền địa phương cần tập trung thực hiện các giải pháp như: Bố trí nguồn vốn đầu tư các công trình cấp nước nông thôn từ nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và tăng thêm kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016- 2020 từ nguồn dự phòng và vượt thu của ngân sách tỉnh. Phối hợp, đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình cấp nước từ Dự án lĩnh vực nước; chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sinh hoạt dựa trên kết quả sử dụng vốn của Ngân hàng Thế giới và Dự án quản lý tổng hợp nguồn nước và phát triển đô thị trong mối liên hệ với biến đổi khí hậu tỉnh Bình Thuận. Đưa một phần chi phí khấu hao vào giá nước để có thêm nguồn vốn đầu tư nâng cấp, mở rộng các công trình cấp nước hiện có. Thực hiện xã hội hóa, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư mới và nâng cấp, mở rộng các công trình cấp nước. Đồng thời, huy động nhân dân góp vốn lắp đặt các tuyến ống phân phối và ống nhánh để phát huy hiệu quả đầu tư các công trình cấp nước. Trước mắt, cần đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công các công trình, dự án bức xúc nhất như: Hệ thống cấp nước La Dạ (Hàm Thuận Bắc); dự án nâng cấp, mở rộng hệ thống nước Tân Thắng, (Hàm Tân);  hệ thống cấp nước xã Hồng Phong; công trình nâng cấp, mở rộng hệ thống nước Sông Bình và công trình nâng cấp, mở rộng hệ thống nước Bình An (Bắc Bình).

Lê Thanh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người dân 17 xã bức xúc nước sinh hoạt