Theo dõi trên

Cơm từ thiện của ông Hùng

13/08/2018, 09:19

Với mong muốn chia sẻ một phần khó khăn cho người nghèo, hàng tháng vào sáng mồng 1 và 15 âm lịch, gia đình ông Cao Đức Hùng lại phát cơm chay từ thiện. Việc làm này đã duy trì 10 năm nay giúp nhiều người nghèo trên địa bàn TP. Phan Thiết cảm thấy ấm lòng.

                
   Gia đình ông Hùng đang phát cơm chay cho    người nghèo.

Một buổi sáng, hình ảnh những người già đứng khá đông trước một hàng ăn nhỏ không hề có bảng hiệu tại C1 Võ Văn Tần, phường Phú Tài (TP. Phan Thiết) khiến tôi khá tò mò. Quán mới mở sao không giới thiệu bán món gì, hay là xuất hiện quá lâu nên không cần quảng cáo, nhưng sao đông người già và người lao động đến thế. Tiến đến gần hơn thì thấy 3 người phụ nữ đã luống tuổi đang liền tay xúc vun đầy những hộp cơm chay, bỏ vào túi buộc cẩn thận giao cho từng người. Cạnh đó người đàn ông chừng 50 tuổi cũng đang phụ xới cơm. Bà lão tay cầm hai hộp cơm rẽ đám đông bước ra nói với tôi: “Cơm chay từ thiện của ông Hùng đó. Cháu đến lấy lần đầu hả”. Rồi mở bịch cơm còn nóng hổi, tiếp lời: Cơm từ thiện mà ngon và nhiều lắm. Chỉ 2 lần/tháng nhưng đối với người nghèo như vậy thật sự thấy ấm lòng.

Trong khi chờ gặp ông Cao Đức Hùng, tôi được người dân khu phố 4, nơi gia đình ông đang sinh sống kể, ông xuất thân từ lao động làm thuê. Từ “khu nhà cháy” phường Đức Thắng lên đây chẳng có nổi 100.000 đồng trong túi. Nhà ở vách cót tạm bợ, nên ông hiểu được cảnh phải đi làm thuê kiếm từng đồng, từng cắc của những người lao động nghèo. Sau này được người quen giúp đỡ, ông dựng lại căn nhà, làm công cho một doanh nghiệp mai táng, rồi có vốn mua xe tải từ đó cuộc sống có phần dư dả chút đỉnh. 22 năm làm khu phố trưởng là ngần ấy năm ông luôn nhiệt tình, giúp đỡ bà con. Lúc khốn khó thì giúp bằng sức, hơn 10 năm nay thì bằng những phần cơm chay, lúc lại thùng mì tôm, bao gạo, bịch đường, chai xì dầu. Đến dịp đầu năm học, Tết Trung thu lại quyên góp và bỏ tiền ra mua quà tặng cho học sinh. Nhà nào hộ nghèo, không có vốn làm ăn, nhà ở dột nát thì hướng dẫn họ làm đơn vay vốn ngân hàng, xin hỗ trợ nhà ở. Đến nay toàn khu phố chỉ còn 7 hộ nghèo.

Mới 1 tiếng đồng hồ mà gần 200 phần cơm đã phát hết. Ông Cao Đức Hùng lý giải không treo bảng hiệu vì không muốn phô trương. 10 năm nay ai thuộc diện nghèo, khó khăn cũng đã biết đến để nhận cơm. Nói rồi ông chỉ sang vợ mình bà Nguyễn Thị Loan: Tôi bị bệnh tim 8 năm nay, hàng tháng phải vào TP. Hồ Chí Minh tái khám, nhờ có vợ mà việc làm này mới duy trì đến nay. Chiều hôm trước bà Loan đã phải tất bật đi chợ mua thực phẩm. 1 giờ sáng dậy nấu và chế biến. Cũng may có 2 chị phụ nữ cạnh nhà sang phụ giúp nên công việc mới suôn sẻ. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, bởi thế ông Cao Đức Hùng tâm niệm còn làm được gì giúp người nghèo thì mình hãy cố gắng làm.

ThỤc Anh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cơm từ thiện của ông Hùng