Theo dõi trên

Cần nâng cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi ở vùng cao

28/07/2017, 17:14 - Lượt đọc: 30

BTO- Kể từ khi thực hiện Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy đến nay, ngân sách tỉnh và các nguồn vốn khác đã đầu tư cho 17 xã thuần và 32 thôn xen ghép vùng đồng bào DTTS nhiều công trình thủy lợi để tạo điều kiện cho đồng bào sản xuất lúa nước, phát triển chăn nuôi heo, bò đàn.

                
      
      Công trình đập tràn và đường vào khu sản xuất đồng bào DTTS xã Măng    Tố (Tánh Linh) được xây mới

Đến nay các xã, thôn vùng đồng bào DTTS đã có 35 công trình thủy lợi vừa và nhỏ với năng lực thiết kế tưới ban đầu là 6.709ha. Hàng năm tỉnh, huyện đã ưu tiên vốn đầu tư xây dựng mới, sửa chữa các công trình hiện hữu để phát huy tác dụng, hiệu quả trong tưới tiêu. Bước đầu đã tạo điều kiện cho đồng bào DTTS mở rộng diện tích khai hoang phát triển sản xuất hoặc tăng vụ trên diện tích hiện có. Nhiều vùng cao đã khắc phục tình trạng thiếu nước sản xuất, nước sinh hoạt trong mùa khô như: Công trình đập Saloun (Đông Giang - Hàm Thuận Bắc) tuy được đầu tư khá lâu, nhưng hàng năm công trình được sửa chữa, nâng cấp để tăng trữ lượng nước trong đập nên bảo đảm nước tưới cho khu sản xuất cánh đồng Saloun, đủ nước sinh hoạt cho đồng bào Đông Giang, La Dạ. Đập Đông Tiến kể từ khi đưa vào sử dụng đã đưa diện tích lúa trên cánh đồng 45ha của xã Đông Tiến sản xuất từ 2-3 vụ/năm, năng suất lúa đạt 50-60 tạ/ha. Đập dâng Sông Phan, hơn 10 năm nay không chỉ cấp nước sinh hoạt phục vụ nhà máy nước mà còn bảo đảm nước sản xuất của đồng bào DTTS…

Tuy nhiên,  nhìn lại tổng thể các công trình thủy lợi vùng đồng bào DTTS mới chỉ đáp ứng tưới cho 2.684ha, đạt khoảng 40% năng lực thiết kế. Nguyên nhân là do việc đầu tư thiếu đồng bộ, các công trình mới hoàn thành những hạng mục đầu mối, còn phần lớn các hạng mục khác như: Hệ thống lấy nước, hệ thống kênh mương dẫn nước tưới chậm được đầu tư do khó khăn về kinh phí và vướng mắc trong việc giải phóng mặt bằng. Đáng lưu ý là một số công trình được đầu tư khá lâu, lũ lụt làm hư hỏng, đập đất, cống lấy nước xuống cấp nặng… nhưng không được nâng cấp sửa chữa kịp thời như: Đập Truy Tịnh, đập Soi (Tuy Phong); đập Ma Đé, É Chim, Ma Giăng (Bắc Bình); đập Đông Tiến, đập Đa Lanh (Hàm Thuận Bắc)... Mặt khác, do tập quán sản xuất, ý thức của đồng bào DTTS trong việc bảo vệ công trình thủy lợi và sử dụng nước tiết kiệm còn hạn chế. Do vậy, mặc dù các địa phương đã nỗ lực tuyên truyền, vận động người dân tham gia làm thủy lợi nhỏ, nạo vét kênh mương để đưa nguồn nước đến tận chân ruộng, nhưng hiệu quả mang lại chưa cao. Tại nhiều địa phương đồng bào DTTS vẫn có tư tưởng ỉ lại nhà nước, hàng năm không chủ động nạo vét kênh mương nội đồng nên nguồn nước bị thất thoát, lãng phí.

Từ những vấn đề nói trên thiết nghĩ, hàng năm tỉnh, huyện cần bố trí thêm nguồn vốn phù hợp để đầu tư xây dựng mới các công trình thủy lợi vừa và nhỏ. Mặt khác, vận động đồng bào góp công cùng Nhà nước nâng cấp, sửa chữa, duy tu bảo dưỡng các công trình đầu mối, nạo vét kênh mương nội đồng để bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt vùng đồng bào DTTS.

NHẬT BẢO



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần nâng cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi ở vùng cao