Bị cắt chế độ thương tật 29 năm
Bị cắt chế độ thương tật 29 năm do vướng thông tư!
BT- Từ năm 1991 cho đến
nay, mặc dù có đủ cơ sở xác nhận ông Nguyễn Quốc Việt (SN 1961) khu phố 3,
phường Phú Thủy, TP. Phan Thiết là thương binh hạng 3/4, tỷ lệ 41% và mất sức
lao động hạng B, tỷ lệ 61%, nhưng ông Việt chỉ được nhận 1 chế độ. Làm đơn nhiều
nơi, nhưng chưa có câu trả lời thỏa đáng cho ông suốt 29 năm qua.
 |
Ông Việt đã gửi đơn nhiều nơi nhưng chưa
được giải quyết. |
Theo đơn trình bày của ông
Việt, ông tham gia cách mạng từ năm 1977; trong đó có tham gia chiến đấu và làm
nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia (1978 – 1979). Đến năm 1978, ông bị thương và
được Hội đồng giám định Y khoa tỉnh Thuận Hải xác định tỷ lệ thương tật (32%) và
được hưởng chế độ thương binh từ năm 1982 cho đến năm 1991 (năm 1981 ông chuyển
ngành về Công ty Xây dựng Thuận Hải). Từ năm 1991, ông chỉ được hưởng chế độ trợ
cấp mất sức lao động (cắt chế độ trợ cấp thương tật) và đến năm 1996 chỉ được
hưởng chế độ trợ cấp thương tật (cắt chế độ trợ cấp mất sức lao động), nhưng
không rõ lý do.
Ông đã gửi đơn nhiều nơi,
nhiều năm và được Văn phòng Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh xem xét, trả lời theo
thẩm quyền. Ngày 25/8/2017 ông Việt nhận được trả lời của Sở Lao động, Thương
binh và Xã hội (LĐTB&XH) như sau: “Việc ông Việt chỉ hưởng trợ cấp mất sức lao
động mà không hưởng trợ cấp thương binh là căn cứ theo quy định tại Điểm 7, Tiết
3 chế độ đãi ngộ quân nhân ra ngoài quân đội vì mất sức lao động theo Thông tư
Liên bộ số 104/LB-QP ngày 12/4/1965 của Liên bộ Quốc phòng - Công an - Nội vụ
quy định: Thương binh về gia đình có đủ điều kiện hưởng trợ cấp mất sức lao động
thì chế độ trợ cấp nào cao hơn được hưởng chế độ đó”.
Sau khi được Sở LĐTB&XH giải
thích dựa trên nhiều nghị định, thông tư của Bộ LĐTB&XH, nhưng ông Việt vẫn
không đồng ý, vì cho rằng việc áp dụng Thông tư Liên bộ số 104 để giải quyết cho
ông hưởng 1 chế độ trợ cấp cao nhất là không đúng, vì ông Việt đã chuyển ngành
trước khi nghỉ mất sức lao động nên không thuộc đối tượng tại quy định này. Hơn
nữa, thời gian tham gia quân đội bị thương thì phải được hưởng chế độ ưu đãi
dành cho người có công với cách mạng, còn thời gian làm việc trong cơ quan Nhà
nước thì hưởng chế độ theo mức đóng bảo hiểm xã hội. Vì vậy, ông Việt tiếp tục
đề nghị được hưởng cả 2 chế độ. Vấn đề trên được Cục Chính sách Quân đội, Ban
Chỉ huy Quân sự Phan Thiết và UBND tỉnh Bình Thuận xác nhận ông Việt không thuộc
đối tượng theo Thông tư số 104.
Tại buổi đối thoại trực tiếp
với UBND tỉnh ngày 15/1/2018 để giải quyết dứt điểm những phản ánh của ông Việt,
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Hòa đã có kiến nghị như sau: Do Thông tư số
104 và các văn bản quy định khác trước thời điểm năm 1995 chưa có quy định rõ
ràng, cụ thể cho từng trường hợp (như ông Việt) nên gây thắc mắc, kéo dài. Do
vậy UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị Văn phòng Chính phủ tham mưu Thủ tướng Chính
phủ chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, đề xuất bổ sung, sửa đổi Pháp
lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, trong đó đề nghị giải quyết những
trường hợp vừa là thương binh đồng thời là công nhân, viên chức nghỉ việc hưởng
chế độ mất sức lao động, được hưởng đồng thời 2 chế độ trợ cấp (mất sức lao động
và thương binh) như trường hợp ông Việt.
Tuy nhiên, đến nay Văn phòng
Chính phủ, Bộ LĐTB&XH vẫn chưa có ý kiến trả lời về vấn đề trên và ông Việt vẫn
bị cắt chế độ suốt 29 năm qua! Mong rằng, UBND tỉnh, cơ quan chức năng sớm báo
cáo Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH để giải quyết, phục hồi chế độ cho ông Việt theo quy
định.
M.Vân